Việc làm thể nào để đạt được chứng nhận hữu cơ Việt Nam hay nói đúng hơn là điều kiện để khi tổ chức đánh giá kết luận phù hợp để được chứng nhận hữu cơ sau khi đánh giá.
Bài viết này mục đích liệt kê các yêu cầu cơ bản không mang tính chất tư vấn áp dụng.
1. Chọn địa điểm và quy hoạch vùng sản xuất theo chuẩn hữu cơ
- Vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ phải được khoanh vùng, nhận diện trên bản đồ định vị; trong đó yêu cầu phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ; cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện, nhà máy hóa chất, ...
- Tổ chức, cá nhân phải quy ước vùng đệm cụ thể và dễ dàng nhận diện bằng trực quan. Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào chiều cao của cây trồng trong khu vực sản xuất thông thường, nguồn gây ô nhiễm cần được xử lý, địa hình của cơ sở và điều kiện khí hậu địa phương. Vùng đệm này có thể dùng chính loại cây trồng đó tuy nhiên phần diện tích vùng đệm đó sẽ không được chứng nhận hữu cơ.
2. Chuyển đổi đất trồng sang sản xuất hữu cơ
Ngoại trừ những vùng đất hoang hóa, đất rừng nguyên sinh, còn lại phải tiến hành chuyển đổi đất. Việc chuyển đổi đất có thể áp dụng trên một phần hoặc toàn bộ diện tích sản xuất, nhưng thời gian phải đáp ứng quy định sau:
- Đối với cây hàng năm: tối thiểu 12 tháng cho đến khi gieo hạt hoặc trồng cây;
- Đối với cây lâu năm: tối thiểu 18 tháng cho đến khi thu hoạch vụ đầu tiên.
Bằng chứng minh thời gian chuyển đổi được tính từ ngày ghi nhận việc quản lý sản xuất hữu cơ trong hồ sơ hoặc ngày mà tổ chức chứng nhận chấp nhận đơn đăng ký chứng nhận hữu cơ.
3. Chuyển đổi giống cây trồng sang hữu cơ
Ngoài việc chuyển đổi đất trồng, giống cây trồng cũng phải chuyển đổi nếu không có sẵn giống được chứng nhận hữu cơ. Việc chuyển đổi giống được quy định như sau:
- Đối với cây hằng năm: ít nhất 1 vụ, lấy giống vụ trước để sản xuất cho vụ tiếp theo. Hoạt động sản xuất tạo giống có thể được tính trong thời gian chuyển đổi sang hữu cơ.
- Đối với cây lâu năm: ít nhất 02 vụ thu hoạch.
Không sử dụng hạt giống và vật liệu nhân giống từ cây trồng biến đổi gen;
Ưu tiên sử dụng giống cây trồng được sản xuất hữu cơ (giống hữu cơ);
Nếu thời gian chuyển đổi đát đã xong nhưng thời gian chuyển đổi giống cây trồng chưa xong thì phải tiếp tục chuyển đổi giống cây trồng.
4. Tạo hệ sinh thái và đa dạng sinh học theo chuẩn hữu cơ
- Chúng ta nên hiểu, hữu cơ ở đây không chỉ đơn thuần là không sử dụng các nguyên liệu đầu vào vô cơ gọi là hữu cơ, mà cần hiểu rộng hơn hữu cơ ở đây là có mối quan hệ cơ hữu, hệ thống sinh thái ở trong đó. Mấu chốt quan trọng phải tạo được hệ sinh thái bền vững, nghĩa là các quần xã, quần thể sinh vật đã tạo được 1 chuỗi thức ăn cân bằng. Khi chúng ta phát hiện sâu bệnh phá nặng chứng to khi đó hệ sinh thái mất cân bằng, đây chính là triết lý sâu xa của nông nghiệp hữu cơ.
- Để tạo được hệ sinh thái, đa dạng sinh học tốt chúng ta có thể trồng thêm các loại cây trồng xen, cây nuôi thiên địch, …thậm chí là thu hút kiến, hay bọ rùa để hệ sinh thái sớm hoàn thiện.
- Đánh giá kết quả áp dụng hữu cơ tốt hay không khi nhìn vào sự bền vững của hệ sinh thái trên vùng sản xuất bằng trực quan chúng ta sẽ thấy rất rõ.
- Ngoài ra, không thực hiện các hoạt động có tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, chẳng hạn như Khu bảo tồn động vật hoang dã, rừng đầu nguồn. Ngoài ra phải tạo được hệ sinh thái cây trồng.
5. Quản lý đất canh tác theo chuẩn hữu cơ
Đất canh tác trong trồng trọt hữu cơ phải có độ phì và hoạt tính sinh học của đất cần được duy trì hoặc tăng cường khi thích hợp, bằng cách:
- Trồng các loại cây họ Đậu, cây phân xanh và các loài thực vật có rễ đâm sâu theo chu kỳ luân canh thích hợp.
- Đưa vào đất các vật liệu hữu cơ, có thể ủ hoặc không ủ, bao gồm cả các chế phẩm sinh học từ bột xương, phân chuồng hoặc phân xanh.
6. Quản lý sử dụng nước tưới theo chuẩn hữu cơ
Nguồn nước sử dụng trong trồng trọt hữu cơ cần được sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí. Phải bảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm.
Tiêu chuẩn nước tươi phải đáp ứng quy định về nước tưới tiêu nông nghiệp.
7. Quản lý sử dụng phân bón theo chuẩn
- Sản xuất hữu cơ chỉ sử dụng các loại phân khoáng thiên nhiên và chỉ để bổ sung cho các phương pháp sinh học để tăng độ phì của đất, ví dụ: phân xanh và phân ủ (compost).
- Sản xuất hữu cơ không sử dụng: Phân bón tổng hợp và phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học, ví dụ: các superphosphat.
- Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bắc (tức phân người) đối với cây trồng dùng làm thực phẩm.
- Các sản phẩm phụ từ chăn nuôi, ví dụ phân chuồng từ bãi chứa trong trang trại có thể dùng để bón cho cây trồng. Khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ.
- Có thể làm hoai mục phân ủ bằng cách dùng các vi sinh vật thích hợp hoặc các chế phẩm có nguồn gốc thực vật.
8. Quản lý sinh vật gây hại theo chuẩn hữu cơ organic
Tổ chức/ cá nhân sản xuất hữu cơ phải có các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại (vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, có dại…). Có thể sử dụng các biện pháp sau:
- Thực hiện luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng đối với đất và cây trồng;
- Các biện pháp vệ sinh để loại bỏ các mầm bệnh, hạt cỏ dại và môi trường sống cho sinh vật gây hại;
- Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường;
- Để kiểm soát sinh vật gây hại, có thể sử dụng các biện pháp sau đây:
- Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi, ví dụ: làm hàng rào, địa điểm làm tổ, các vùng sinh thái đệm để duy trì thảm thực vật ban đầu cho các loài côn trùng ăn sinh vật gây hại;
- Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh;
- Trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ thiên địch;
- Dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động.
- Đối với cỏ dại, có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát sau đây:
- Cắt tỉa;
- Cho vật nuôi gặm cỏ;
- Nhổ cỏ bằng tay;
- Canh tác bằng cơ giới (cày xới đất);
- Đốt cỏ dại với điều kiện không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đất;
- Che phủ bằng các vật liệu tự nhiên hoặc các vật liệu khác có thể phân hủy sinh học hoàn toàn;
- Che phủ bằng chất dẻo hoặc các vật liệu tổng hợp khác. Các vật liệu này phải được thu gom ra khỏi khu vực trồng trọt vào cuối mùa vụ.
- Đối với dịch bệnh, có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát sau đây:
- Thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các sinh vật gây bệnh;
- Sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp.
9. Kiểm soát ô nhiễm theo chuẩn hữu cơ
- Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng trong quá trình trồng trọt hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Các thiết bị phòng trừ sinh vật gây hại đã được sử dụng trong sản xuất thông thường không được sử dụng trong sản xuất hữu cơ;
- Khuyến khích sử dụng các vật liệu che phủ đất tự phân hủy, vật liệu thân thiện với môi trường. Trường hợp không có vật liệu trên, sử dụng vật liệu khác nhưng phải thu gom, xử lý triệt để;
- Nơi bảo quản, xử lý phân bón, tàn dư thực vật và nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ pha bình bơm phải được che mưa, che nắng, cách ly với khu vực sản xuất, khu vực chứa sản phẩm và nguồn nước tưới.
10. Kế hoạch sản xuất hữu cơ theo chuẩn hữu cơ
Yêu cầu mỗi cơ sở sản xuất theo hướng Nông nghiệp hữu cơ phải có kế hoạch sản xuất; chăm sóc cho từng loại cây hoặc nhóm cây trồng.
11. Ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm
- Việc lưu giữ hồ sơ nhằm đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng cách theo dõi dữ liệu sản xuất và số lượng của từng bước trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc bán hàng.
- Mỗi điểm sản xuất riêng biệt được nhận diện bằng tên hoặc mã hiệu. Tên hoặc mã hiệu được đặt tại điểm sản xuất và được ghi lại trên bản đồ. Tên hoặc mã hiệu của địa điểm được lưu giữ lại trên tất cả các tài liệu và hồ sơ liên quan đến địa điểm đó.
- Cơ sở phải duy trì hồ sơ về việc mua hàng, kiểm kê hàng tồn kho của tất cả các vật tư, nguyên liệu đầu vào sử dụng cho sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển.
- Tài liệu, hồ sơ phải nhận diện rõ nguồn gốc, quá trình vận chuyển, sử dụng và kiểm kê các vật tư, nguyên liệu đầu vào không hữu cơ ở tất cả các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản.
- Hồ sơ, tài liệu và cơ sở dữ liệu phải cho phép truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm hữu cơ tại bất cứ thời điểm nào.
- Các hồ sơ nói trên phải được lưu trữ trong ít nhất 5 năm.
12. Phân tích mẫu đạt yêu cầu.
- Để đủ điều kiện đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam, yếu tố cuối cùng sau khi tổ chức đánh giá quá trình sản xuất thì mẫu điển hình phải đạt yêu cầu về giới hạn kim loại nặng, không phát hiện dư lượng thuốc BVTV cũng như vi sinh vật.
- Theo quy định hoạt động lấy mẫu phải thực hiện 100% sản phẩm cơ sở đăng ký chứng nhận và 100% địa điểm thuộc phạm vi đăng ký sản xuất theo hữu cơ.
- Giấy chứng nhận hữu cơ có hiệu lực tối đa 2 năm.
- Tổng quan giới thiệu về Nông nghiệp hữu cơ - Organic (24.03.2021)
- Lợi ích áp dụng và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (31.03.2021)
- Hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận hữu cơ (31.03.2021)
- Chi phí và thời gian hiệu lực giấy chứng nhận hữu cơ (08.06.2021)