NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ LÀ GÌ ?
Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế(IFOAM): Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không cho phép sử dụng 5 vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm:
- 1. Hóa chất bảo vệ thực vật,
- 2. Phân bón hóa học,
- 3. Chất kích thích tăng trưởng,
- 4.Sản phẩm đột biến gen
- 5. Và phân bắc
Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ hoai mục, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác dạng nông nghiệp tuần hoàn. Canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại các lợi ích sau:
- Duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất
- Ít gây ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm, sông, hồ),
- Bảo vệ đời sống hoang dã (chim chóc, ếch nhái, côn trùng v.v...),
- Đa dạng sinh học cao, nhiều cảnh đẹp khác nhau,
- Đối xử tốt hơn với động vật nuôi,
- Ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài,
- Ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm,
- Không có hoocmon và chất kháng sinh trong các sản phẩm động vật,
- Chất lượng sản phẩm tốt hơn (hương vị, đặc tính tích lũy).
CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA TIÊU CHUẨN HỮU CƠ ?
Về đa dạng sinh học: Nông nghiệp hữu cơ khuyến khích các sinh vật và thực vật sống cùng nhau trong phạm vi lớn, không chỉ ở cùng trên một đồng ruộng mà kể cả các vùng sinh cảnh phụ cận. Càng nhiều các loài thực vật, động vật và các sinh vật đất khác nhau sống trong hệ thống canh tác thì ở đó càng có nhiều các sinh vật giúp duy trì độ phì của đất và ngăn cản sâu bệnh hại. Tính đa dạng sinh học này sẽ giúp cho môi trường sản xuất hữu cơ có năng lực sản xuất ra những sản phẩm lành mạnh trong một môi trường cân bằng.
Về vùng đệm: Mỗi một vùng sản xuất hữu cơ phải được bảo vệ khỏi nguy cơ bị nhiễm các hóa chất rửa trôi hoặc bay sang từ ruộng bên cạnh. Vì thế, mỗi nông dân hữu cơ phải đảm bảo có một khoảng cách thích hợp từ nơi sản xuất rau hữu cơ đến nơi không sản xuất hữu cơ. Khoảng cách này ít nhất là 1 mét được tính từ bờ ruộng đến rìa của tán cây trồng hữu cơ. Nếu nguy cơ ô nhiễm cao thì vùng đệm sẽ phải được tính toán và bổ xung cho rộng hơn.
Nếu nguy cơ ô nhiễm bay theo đường không khí thì sẽ phải trồng một loại cây để ngăn chặn sự bay nhiễm. Loại cây được trồng trong vùng đệm này phải khác với cây trồng hữu cơ. Nếu sự ô nhiễm theo đường nước thì sẽ phải tạo một bờ đất hoặc đào rãnh thoát nước để ngăn cản sự trôi nhiễm.
Về sản xuất song song: Để tránh sự lẫn tạp giữa các loại cây trồng hữu cơ và không hữu cơ (Dù chỉ là vô tình), tiêu chuẩn hữu cơ không cho phép một loại cây cùng được trồng trên cả ruộng hữu cơ và ruộng thông thường tại cùng một thời điểm, chẳng hạn như cùng một lúc sản xuất dưa chuột hữu cơ và dưa chuột thông thường. Có thể được chấp nhận chỉ khi các giống được trồng trên ruộng hữu cơ và ruộng thông thường có thể phân biệt được dễ dàng giữa chúng với nhau. Trường hợp này có thể áp dụng cho các giống khoai tây có màu sắc khác nhau ( màu vàng và màu đỏ) hoặc cho cà chua anh đào (cà chua bi làm salad) với cà chua có kích tthước thông thường.
Xem thêm: chứng nhận rau quả trồng trọt hữu cơ
Về các vật liệu biến đổi gen: Nông nghiệp hữu cơ ngăn chặn những rủi ro lớn tới sức khỏe và môi trường. Vì vậy, mặc dù những công nghệ phát triển mang tính khoa học cao đôi khi cũng không được chấp nhận nếu không thể dự đoán trước được những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sản xuất chúng. Vì lý do đó, các vật liệu biến đổi gen (GMOs) không được chấp nhận vì vật liệu gen đưa vào trong một giống nào đó khi được trồng có thể lan truyền qua con đường tạp giao sang các cây hoang dại hoặc các giống không biến đổi gen cùng họ.
- Lợi ích áp dụng và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (31.03.2021)
- Điều kiện đạt chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam (18.01.2021)
- Hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận hữu cơ (31.03.2021)
- Chi phí và thời gian hiệu lực giấy chứng nhận hữu cơ (08.06.2021)