Trong những năm gần đây, cụm từ “GAP” hay “VietGAP” đã không còn xa lạ với cả người sản xuất nông nghiệp cũng như người tiêu dùng. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mỗi quốc gia trên thế giới đều đã có tiêu chuẩn vietGAP riêng để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng như: rau, quả, chè búp tươi an toàn và đã được triển khai áp dụng rộng rãi ở hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.
Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên là 22.022 ha trong đó có khoảng 19.683 ha chè đang cho thu hoạch, năng suất chè đạt 117,2 tạ/ha/năm, sản lượng chè búp tươi năm 2018 đạt 230.765 tấn. Diện tích chè áp dụng VietGAP khoảng trên 70% tổng diện tích, tuy nhiên diện tích chè được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn ít, chỉ khoảng 1.600 ha.
Sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng: như giúp người sản xuất quản lý tốt hơn quá trình sản xuất, giảm thiểu được các mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất, đến sản phẩm và người tiêu dùng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên bên cạnh đó trong quá trình sản xuất chè theo quy trình VietGAP cũng gặp phải không ít khó khăn như: việc áp dụng quy trình có nhiều quy định và yêu cầu phức tạp; chi phí cấp giấy chứng nhận lớn, hiệu lực của giấy chứng nhận ngắn (02 năm); người nông dân chưa có thói quen và gặp khó khăn trong việc ghi chép nhật ký quá trình sản xuất mà đây lại là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất chè theo quy trình VietGAP; thị trường tiêu thu sản phẩm chè VietGAP chưa ổn định. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến người nông dân làm chè chưa thực sự mặn mà với quy trình VietGAP.
Tiêu chuẩn VietGAP mới theo TCVN 11892-1:2017 phần 1 trồng trọt theo Quyết định số 2802/QĐ-BKHCN ngày 17/10/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ được áp dụng giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tổ chức sản xuất và đánh giá chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Tiêu chuẩn VietGAP mới phần nào khắc phục được những khó khăn và những điểm chưa phù hợp trong sản xuất và chứng nhận VietGAP hiện nay.
Thực hiện kế hoạch công tác phát triển chè năm 2019, để nâng cao hiệu quả công tác phát triển sản xuất chè an toàn chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý dự án phát triển chè - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức cho cán bộ khuyến nông cây chè tham gia học tập, nghiên cứu về tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP lĩnh vực trồng trọt và trên cây chè theo TCVN 11892-1: 2017.
Giữa Tiêu chuẩn VietGAP mới theo TCVN 11892-1:2017 phần 1 trồng trọt theo Quyết định số 2802/QĐ-BKHCN ngày 17/10/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Quy trình VietGAP cũ phần trồng trọt theo phụ lục IX B Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ban hành ngày 26/09/2012 và theo Quyết định số 379 /QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn); Quyết định 2998/2010/QĐ-BNNPTNT ngày 09/11/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lúa an toàn); Quyết định 1121/2008/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho chè búp an toàn); Quyết định 2999/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cà phê) có những điểm giống và khác nhau, cụ thể:
* Giống nhau
Về tổng thể Quy trình VietGAP cũ và Tiêu chuẩn VietGAP mới áp dụng cho vùng sản xuất và sơ chế giống nhau dựa trên 4 yêu cầu chính:
1. An toàn thực phẩm;
2: An toàn môi trường;
3: An toàn cho người lao động;
4: Truy xuất được nguồn gốc.
Quản lý trong quá trình sản xuất bao gồm: Giống và gốc ghép, đất và giá thể, nước tưới, phân bón và chất phụ gia, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép hồ sơ sản xuất, quản lý chất thải, bảo vệ người lao động, kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại
* Khác nhau
- Tiêu chuẩn VietGAP mới các mục tiêu chí rõ ràng hơn so với quy trình VietGAP cũ như:
+ Bảo quản thuốc BVTV yêu cầu tiêu chuẩn mới có dụng cụ chứa hoặc kho thuốc BVTV, có dụng cụ trống chảy tràn;
+ Phải có sơ đồ khu vực sản xuất; nơi chứa phân bón, thuốc BVTV, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế; nơi sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có) và khu vực xung quanh;
+ Lấy mẫu phân tích sản phẩm dựa trên đánh giá mối nguy ảnh hưởng tới sản xuất;
+ Trong đánh giá nội bộ nếu có điểm không phù hợp phải khắc phục trước khi bán sản phẩm cho khách hàng;
+ Khu vực sản xuất VietGAP trồng trọt của cơ sở có nhiều địa điểm phải có tên hoặc mã số cho từng địa điểm;
+ Cần có danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây trồng dự kiến sản xuất, trong đó bao gồm tên thương mại, hoạt chất, đối tượng cây trồng và dịch hại;
+ Đối với rau mầm không được dùng phân bón và Thuốc BVTV;
+ Đối với sản xuất chè phải loại hết cỏ dại chứa độc tố Pyrrolizidine alkaloids.
- Tiêu chuẩn VietGAP mới yều cầu xây dựng tài liệu cụ thể hơn so với quy trình VietGAP cũ như: quy định kiểm soát tài liệu và hồ sơ, quy trình sản xuất cho từng cây trồng, quy định đánh giá nội bộ, quy đinh xử lý sản phẩm không phù hợp, quy định khiếu nại,…
- Phân tích các mối nguy ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và sơ chế và có kế hoạch kiểm soát các mối nguy.
Nhìn chung Tiêu chuẩn VietGAP mới có những yêu cầu và quy định cụ thể hơn, phù hợp với thực tế sản xuất hơn và dễ áp dụng hơn so với quy trình VietGAP cũ, việc ghi chép nhật ký sản xuất cũng dễ dàng hơn.
Để áp dụng được tiêu chuẩn VietGAP mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng thì công tác tuyên truyền, tập huấn là hết sức quan trọng, từ đó giúp người nông dân tiếp cận nhanh hơn với những tiến bộ kỹ thuật mới, những tiêu chuẩn mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hiện nay vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề lớn được toàn xã hội quan tâm. Cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất chè an toàn theo GAP nói riêng là xu hướng tất yếu để tạo nên một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ con người, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về phát triển cây chè. Phát triển sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là phù hợp với xu thế. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả sản xuất và chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cần có sự áp dụng linh hoạt và phù hợp trong thực tế sản xuất./.
Nguồn : thainguyen.gov.vn
- Nuôi cá mú lai bằng thức ăn công nghiệp (07.01.2021)
- Mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín (07.01.2021)
- Thu tiền tỷ từ nuôi thủy sản sông trong ao (07.01.2021)
- Cuối năm giá gà vẫn dậm chân tại chỗ, người chăn nuôi thấp thỏm (07.01.2021)
- Bình Định: Thả hơn 20.000 cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản (07.01.2021)
- Nuôi lươn giống chuẩn, nước sạch, hiệu quả cao (07.01.2021)
- Nước sông Lô xuống thấp, nuôi cá lồng gặp khó (07.01.2021)
- Mùa vụ gieo cấy và phân bón NPK cho cây lúa (07.01.2021)
- Sức khỏe đất, vấn đề cấn đối vô cơ, hữu cơ - Tránh cực đoan (07.01.2021)
- Giá phân bón ra sao khi áp thuế giá trị gia tăng vào năm 2021 (07.01.2021)