Ngày 29/12/2024, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào cho cây. Chất này giúp cây sinh trưởng và phát triển, ra nhánh, đâm chồi, tăng cường ra hoa và trái cây to hơn nhờ kích thích phân chia tế bào.
Còn theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên. Trên cây cỏ, benzylaminopurine có một số tác dụng kích thích tăng trưởng, tăng đề kháng với bệnh cho cây song không phù hợp dùng cho người.
Tại Việt Nam, 6-Benzylaminopurine không thuộc Danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 6-benzylaminopurine vào cơ thể với lượng lớn có thể gây tử vong. Phụ nữ mang thai hít, tiếp xúc qua da lâu dài có thể ảnh hưởng thai nhi như gây nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US EPA) báo cáo rằng 6-Benzylaminopurine có thể gây kích ứng mắt, niêm mạc thực quản và dạ dày.
"Chất kích thích, trong mọi trường hợp, đều bị cấm sử dụng cho thực phẩm hoặc cho người, kể cả bôi lên da", ông Thịnh nói.
Benzylaminopurine kết thành tinh thể hình kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường. Theo ông Thịnh, chất này không gây ngộ độc cấp tính với các biểu hiện lên hệ thần kinh như hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa. Nó tác động lâu dài đến cơ thể, ngấm ngầm đi vào cơ quan sinh sản, tế bào trưởng thành, kích thích sinh trưởng và qua thời gian sức khỏe suy yếu, bệnh tật. Ví dụ, 6-benzylaminopurine nhiễm vào da gây viêm da hoặc nặng thêm bệnh lý da; hít trong thời gian dài có thể tổn thương phổi. Chất này xâm nhập vào gan, thận làm suy giảm chức năng hoặc trầm trọng thêm bệnh lý vốn có.
Hơn thế, sử dụng các hoạt chất kích thích tăng trưởng thực vật tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do lượng tồn dư, là nguyên nhân gián tiếp gây ra loạt mối nguy với sức khỏe người ăn. Bởi vậy, ông Thịnh khuyến cáo sử dụng 6-Benzylaminopurine trong sản xuất thực phẩm là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều nước cấm sử dụng 6-Benzylaminopurine trong sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận chất này vẫn được dùng bất hợp pháp vì giá thành thấp và hiệu quả cao.
Nguồn: https://vnexpress.net/
Bài viết này tổng hợp nhằm mục đích nói lên tác hại của việc sử dụng 6-Benzylaminopurine trong sản xuất thực phẩm, là một chấm cấm không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm hay bảo vệ thực vật./.
- Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ (11.12.2020)
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững (11.12.2020)
- Trồng trọt hữu cơ - Xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (11.12.2020)
- Áp dụng tiêu chuẩn VietGap mới trong sản xuất chè an toàn (11.12.2020)
- TP Đà Nẵng công khai chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận (26.11.2020)
- Giải pháp mới cho việc tưới nhỏ giọt cho cây cà phê (26.11.2020)
- Nông sản VietGAP bí đầu ra (25.11.2020)
- Lợi ích của áp dụng Vietgap vào chăn nuôi (25.11.2020)
- Các điều kiện ‘cần và đủ’ khi chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP tại Việt Nam (25.11.2020)
- Thực phẩm an toàn: Không xây dựng chứng nhận vu vơ sản phẩm (25.11.2020)