Xem thêm :
Chứng nhận VietGap-Greencert
Chứng nhận Hữu cơ-Greencert
Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam có 14 năm trong vai trò giám đốc hợp tác xã (trước đây được gọi là "chủ nhiệm hợp tác xã"), 3 năm làm chủ nông trại rau hữu cơ.
Giám đốc hợp tác xã 'miệng nói tay làm'
Ông Nguyễn Văn Phóng kể về những khó khăn khi kêu gọi người dân dồn ruộng để canh tác nông nghiệp sạch và những ngày đầu tiên gây dựng "Happy farm".
Bảy năm về trước, xã Trác Văn bị thu hồi một phần đất để làm khu đô thị khiến cho diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, ông Phóng trăn trở: "Là người đứng đầu ngành nông nghiệp ở địa phương, tôi buộc phải nghĩ cách tìm hướng đi cho người dân để nâng giá trị đất và giải quyết việc làm cho những người trung niên".
Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam, đồng thời là chủ nông trại hữu cơ Happy farm.
Ý tưởng canh tác nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, loại bỏ thuốc hóa học trên những cánh đồng cũng nảy nở từ đây. Giám đốc hợp tác xã bắt đầu bằng công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và trao niềm tin cho họ bằng việc "xắn tay áo" cùng làm. "Ban đầu, nói đến canh tác rau hữu cơ, người dân đều mơ hồ, đất đai manh mún. Tôi phải đứng lên đại diện thuê đất của dân, lập thành 4 nhóm sản xuất. Để người dân nắm được các yêu cầu của mô hình canh tác này, tôi mời một số chuyên gia có kiến thức chuyên môn về địa phương hướng dẫn cụ thể cho từng người", ông nói.
Năm đầu tiên, người dân ra đồng làm không phải bỏ chi phí, "lấy công làm lãi", làm được bao nhiêu thì chia đều, còn giống cây, tiền thuê đất ông Phóng hỗ trợ. Ông Phóng cho biết được sự đồng lòng cùng sản xuất của người dân đã khó, nhưng tìm đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn gấp bội; rau xấu, cứng, già, sâu lá nhiều nên không ai mua. Ông lại loay hoay tìm mọi cách để tháo gỡ: "Tôi mạnh dạn đề nghị với tỉnh, huyện, xã, khi nào có hội nghị, cán bộ đi họp được tiền thì khuyến khích mọi người dùng tiền đấy để mua rau. Dần dần tôi mới chắp nối được một số đối tác trên Hà Nội để tiêu thụ".
Sau 4 năm canh tác theo mô hình nhóm hộ, tháng 11/2016, ông Phóng chuyển ra gây dựng nông trại riêng canh tác rau hữu cơ với diện tích rộng 3 ha. Năm đầu tiên, ông trồng hai vụ đỗ tương, một vụ lạc để cải tạo đất. Một năm sau đó, ông bắt đầu trồng rau. Cập nhật xu thế thị trường, khoảng một năm trở lại đây, ông chuyển 1/3 diện tích sang trồng cây dược liệu hữu cơ: "Nếu như rau là cây ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh, thì dược liệu là cây dài ngày thu hoạch muộn. Thu hoạch rau, tôi dùng tiền đó để đầu tư cho dược liệu".
Ông Phóng và người dân cải tạo đất sau khi thu hoạch rau.
Mong muốn người trồng và người mua hạnh phúc
"Happy farm" là cái tên ông Phóng đặt cho nông trại, nó chất chứa tâm huyết của một ông chủ nhiều hoài bão và luôn nghĩ cho mọi người. Ông hy vọng mỗi ngày ra đồng trồng rau của những người nông dân đều hạnh phúc và những người mua rau cũng an tâm, hạnh phúc bởi có những bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe.
Một ngày của ông Phóng bắt đầu từ 1h30 sáng phụ vợ chuẩn bị hàng hóa đi chợ, ra thăm nông trại khi mặt trời lên và đến cơ quan làm việc lúc 7h30. Sau ngày làm việc tại hợp tác xã, ông trở về khoác chiếc áo lao động, xỏ đôi ủng, vác quốc lên vai ra đồng làm rau cùng với chị em. Mặt trời lặn, ông cùng mọi người phân loại và đóng gói rau, kết thúc ngày làm việc tuy mệt nhưng ai nấy đều tươi cười.
Ông Phóng tự ủ phân để bón cho cây trồng từ chất thải động vật, trấu hun và cây cỏ trong nông trại: "Tôi xin phân bò, phân giun trùn quế từ những hộ dân trong làng về ủ cùng các nấm đối kháng, vi sinh IMO và đặc biệt là trấu hun. Thời gian ủ từ 2 - 3 tháng".
Để diệt trừ sâu bệnh, ông ngâm tỏi ớt với rượu, hòa loãng và phun lên cây. Đặc biệt, với 1 ha trồng dược liệu, không chỉ đem đến hiệu quả kinh tế mà còn có tác dụng dẫn dụ sâu bệnh: "Tôi trồng dược liệu có nhiều mục đích, những loài có hoa sặc sỡ, hương thơm sẽ dẫn dụ và xua đuổi côn trùng rất hiệu quả, như bạc hà, hương nhu... Trồng rau xen canh với dược liệu hay ở chỗ đó", ông Phóng chia sẻ.
"Làm hữu cơ, trước hết là cho mình, sau đó lan tỏa đến với mọi người", ông Phóng nhấn mạnh.
Nông trại 3 ha có khoảng 10 lao động là các bà, các mẹ có người tuổi đã ngoài 60, làn da nhuốm màu sương nắng, tóc đã điểm bạc. Gắn bó với nông trại "Happy farm" được 2 năm, bà Nguyễn Thị Xuân (65 tuổi), thôn Văn Bút, xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam chia sẻ đến đây làm vừa thêm thu nhập vừa được gặp chị em nên vui. Tiền nong là một chuyện, quan trọng là an toàn, hít thở không khí trong lành không có chất hóa học của thuốc trừ sâu khiến người khỏe khoắn.
Nếu như bà Xuân hạnh phúc bởi được lao động trong không khí trong sạch, thì niềm hạnh phúc của bà Vũ Thị Linh (60 tuổi), thôn Lệ Thủy, xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam là được góp phần làm ra những cây rau, củ, quả sạch cho người tiêu dùng. Bà tiết lộ tầm tuổi như bà không công ty nào nhận nữa, con cái đi làm xa hết nên ở nhà cũng buồn. "Làm ở đây cũng không vất vả, máy móc hỗ trợ nhiều rồi. Tôi cảm thấy vui và có động lực ra đồng mỗi ngày vì là một trong những người góp phần làm ra những cây rau, củ, quả sạch cho người tiêu dùng, trong đó có cả con của cái tôi", bà nói.
Mỗi tháng, nông trại "Happy farm" của ông Phóng cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn rau, một tấn củ quả, hiện các sản phẩm của nông trại đã được cấp chứng nhận hữu cơ và có tem truy xuất nguồn gốc. Dồn nhiều thời gian, sức lao động và chất xám vào nông trại, ông Phóng ngần ngừ một hồi khi được hỏi về thu nhập: "Từ lúc khởi nghiệp đến thời điểm này tôi chưa thu được đồng lãi nào, năm đầu làm cải tạo đất, đỗ thì làm phân, cây cắt đi rải ra ruộng làm phân xanh. Chi phí đầu tư vào nông trại khá lớn, thu nhập từ rau quay vòng để đầu tư hết cho cây dược liệu".
Mặc dù chưa có lãi nhưng ông Phóng luôn tin vào hướng đi của mình. Với những kinh nghiệm "bỏ túi" được sau 3 năm canh tác hữu cơ, mới đây, giám đốc hợp tác xã đã xây dựng đề án và được các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 20 ha đất để sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Còn với "Happy farm" trong thời gian tới, ông Phóng sẽ phân chia một ha để trồng rau, một ha trồng các cây họ đậu và một ha trồng dược liệu, cứ thể luân canh hàng năm.
Nguồn:
https://vnexpress.net/thoi-su/giam-doc-hop-tac-xa-trong-rau-huu-co-4041810.html
- Trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGap ở Long An (10.04.2019)
- Việt Nam sắp ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch (24.06.2022)
- Tập huấn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Đắk Lắk (18.06.2022)
- Hội thảo về truy xuất nguồn gốc tại Khánh Hòa (03.06.2022)
- Xây dựng thế giới công bằng và lành mạnh hơn với các tiêu chuẩn ISO (31.03.2022)
- Gắn nông nghiệp hữu cơ với liên kết doanh nghiệp (01.03.2022)
- Nghị quyết 165/NQ-CP về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 (12.01.2022)
- Cần hiểu đúng về tem truy xuất nguồn gốc (12.12.2021)
- Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng rau hữu cơ ở Hạ Long (06.05.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (05.05.2021)