Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cấp thiết đối với người tiêu dùng. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hệ thống Khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn
mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Châu.
Hằng năm, hệ thống Khuyến nông toàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng bền vững và an toàn sinh học. Từ năm 2000 đến nay, hệ thống Khuyến nông đã triển khai xây dựng nhiều mô hình khuyến nông, như: mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, quy mô 91 ha với 604 hộ tham gia hưởng lợi; mô hình trồng và thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Bắc Yên; mô hình trồng và thâm canh cay ăn quả theo hướng VietGAP tại Mai Sơn, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu; mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã; mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót lên men; mô hình chăn nuôi gà, vịt an toàn sinh học, quy mô 804 hộ tham gia nuôi 87.200 con; hỗ trợ 18 HTX, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt an toàn...
Các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, trồng các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông dân có thể thu lãi trên 200-300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, còn tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của người nông dân trong việc chú trọng chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 32 cơ sở sản xuất rau, quả, chè, chăn nuôi được cấp giấy chứng sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, với tổng diện tích trên 560 ha và 5 cơ sở chăn nuôi; khai trương và đi vào hoạt động 6 cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả an toàn. Tiểu biểu, như: Mô hình sản xuất rau an toàn ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang và bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu); HTX Ngọc Lan xã Hát Lót (Mai Sơn) trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP... Qua đánh giá, sản phẩm của các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đều đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ với mức giá ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã bao tiêu tại các nhà hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội.
HTX Ngọc Lan tại xã Hát Lót (Mai Sơn) là một trong những HTX tiên phong sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, giám đốc HTX, cho biết: Các thành viên của HTX đã được tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện theo dõi, ghi chép từng công đoạn sản xuất. HTX đã thành lập tổ giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy trình sản xuất tại các hộ về hiện trạng nơi sản xuất, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thời gian cách ly trước khi thu hoạch, bao gói, đóng hộp trước khi xuất bán. Năm 2016, sản phẩm bưởi da xanh, xoài Đài Loan của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã liên hệ bao tiêu sản phẩm của HTX.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP mới dừng lại ở một số ít HTX; nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm của VietGAP còn hạn chế. Thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, người sản xuất phải đầu tư cao, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm nên nông dân chưa mặn mà với tiêu chuẩn VietGAP; trình độ sản xuất, tay nghề của nông dân còn hạn chế nên khi tiếp cận với quy trình sản xuất mới còn lúng túng, chưa nhân rộng đại trà...
Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hệ thống Khuyến nông Sơn La tiếp tục tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thực hành tốt tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm đa dạng, năng suất cao, an toàn, bền vững, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (27.04.2021)
- Rau hữu cơ, rau an toàn tăng mạnh ở Tây Nguyên (27.04.2021)
- Người nông dân trồng dưa lưới theo quy trình VietGap (22.04.2021)
- Vùng rau đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Đà Nẵng (22.04.2021)
- Số hóa quản lý chăn nuôi (15.04.2021)
- TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN (14.04.2021)
- Rau muốn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao (12.04.2021)
- Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau (12.04.2021)
- Phải có mô hình dừa chuẩn hữu cơ (07.04.2021)
- Thạnh Ngãi tập trung đầu tư phát triển bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP (05.04.2021)