Giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, đem lại nguồn thực phẩm an toàn; giảm hao hụt 20 – 25%; tăng hiệu quả sản xuất 20 – 30%, đó là những lợi ích mà chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình Vietgap mang lại cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được ngành chuyên môn đánh giá thực tế trong những năm gần đây. Đây cũng là hướng đi cần thiết để ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Chăn nuôi bò thịt an toàn tại nông hộ ở xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên)
Theo tổng hợp của phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Hiện đang có khoảng 30% số trang trại chăn nuôi và khoảng 15% số hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi Vietgap vào sản xuất.
Ngày 22.6.2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT có quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN về việc ban hành quy chế chứng nhận và quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ (Vietgap nông hộ). Ngoài ra, ngành chức năng có hướng dẫn quy trình chăn nuôi bò nông hộ an toàn sinh học; quy tình chăn nuôi an toàn sinh học đối với trang trại (Vietgap trang trại). Trên thực tế, quy trình chăn nuôi Vietgap là tổng hợp những nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Khi thực hành chăn nuôi tốt, người chăn nuôi sẽ phải áp dụng đồng bộ các biện pháp từ khâu chuẩn bị chuồng trại, chuẩn bị con giống, sử dụng thức ăn chăn nuôi, vệ sinh thú y, xuất bán, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, ghi chép và lưu trữ hồ sơ chăn nuôi.
Anh Nguyễn Văn Huynh, người chăn nuôi gia cầm an toàn tại xã Đại Tập (Khoái Châu) cho biết: Từ khi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh đã không còn xảy ra với gia cầm của gia đình tôi, hao hụt trong quá trình chăn nuôi giảm 20%. Mỗi lứa tôi đều nuôi trên 1 nghìn con gia cầm, ghi chép đầy đủ từ việc nhập giống, mua thức ăn, sử dụng vắc xin, quá trình chăn nuôi đến khi xuất bán. Người nhập gia cầm thương phẩm hoàn toàn có thể kiểm tra được quá trình sản xuất, yên tâm khi tiêu thụ sản phẩm.
Từ khi áp dụng quy trình Vietgap đối với chăn nuôi lợn, ông Cao Văn Sơn ở xã Long Hưng (Văn Giang) đã đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Ông Sơn chia sẻ, trong thời điểm bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trang trại của gia đình ông chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học nên không bị thiệt hại, duy trì được sản xuất. Thực tế tại trang trại của gia đình ông Sơn cho thấy việc thực hiện nghiêm ngặt các bước bảo đảm an toàn cho trang trại, cho vật nuôi đã đem lại hiệu quả bền vững. Hệ thống thu gom chất thải hoạt động hiệu quả, hệ thống khử trùng tự động liên tục. Người lạ tuyệt đối không được tiếp xúc với môi trường chăn nuôi trong trang trại, người chăn nuôi làm việc liên tục trong trang trại suốt cả tuần, mỗi khi có việc ra ngoài đều phải thực hiện khử trùng 3 lần.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chăn nuôi theo quy trình Vietgap là hướng đi cần thiết để bảo đảm hoạt động chăn nuôi mang lại hiệu quả bền vững, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Mỗi năm, phòng Chăn nuôi phối hợp với đơn vị chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn cho trên 1 nghìn lượt người. Đồng thời, liên tục nhiều năm trở lại đây, tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều dự án, đề án để khuyến khích, nhân rộng chăn nuôi theo quy trình Vietgahp đối với các loại vật nuôi chủ đạo như: Lợn, bò, gà; mỗi năm có thêm gần 100 hộ chăn nuôi được hỗ trợ về con giống, thức ăn và quy trình sản xuất an toàn.
Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn. Bởi theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi, người chăn nuôi không chỉ phải thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất mà còn phải đáp ứng yêu cầu về khoảng cách khu sản xuất với khu vực dân cư. Khó khăn trong thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay là đa phần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư và 60% số trang trại vẫn nằm trong khu vực dân cư. Mặt khác, nhiều hộ chăn nuôi chưa tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Việc đầu tư quy trình Vietgap đòi hỏi vốn lớn để xây dựng chuồng trại khép kín và xử lý chất thải, trong khi chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển chăn nuôi theo quy trình Vietgap trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hoạt động chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và bảo đảm an toàn cần tiếp tục được ưu tiên, nhân rộng. Một mặt tạo điều kiện để người dân vay vốn xây dựng chuồng trại khép kín; thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn; tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, mặt khác sớm loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y, phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại, đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Báo Hưng Yên
- Nuôi cá mú lai bằng thức ăn công nghiệp (07.01.2021)
- Mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín (07.01.2021)
- Thu tiền tỷ từ nuôi thủy sản sông trong ao (07.01.2021)
- Cuối năm giá gà vẫn dậm chân tại chỗ, người chăn nuôi thấp thỏm (07.01.2021)
- Bình Định: Thả hơn 20.000 cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản (07.01.2021)
- Nuôi lươn giống chuẩn, nước sạch, hiệu quả cao (07.01.2021)
- Nước sông Lô xuống thấp, nuôi cá lồng gặp khó (07.01.2021)
- Mùa vụ gieo cấy và phân bón NPK cho cây lúa (07.01.2021)
- Sức khỏe đất, vấn đề cấn đối vô cơ, hữu cơ - Tránh cực đoan (07.01.2021)
- Giá phân bón ra sao khi áp thuế giá trị gia tăng vào năm 2021 (07.01.2021)