Xem thêm:
Chứng nhận VietGap - Greencert
Chứng nhận Hữu Cơ - Greencert
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, địa phương là tỉnh có điều kiện về khí hậu, đất đai thuận lợi cho việc phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi. Trên thực tế, tỉnh đã phát triển mạnh về cây trồng một cách rất đa dạng từ rau, hoa cho đến cây lương thực, chè, cà phê lẫn dược liệu. Về chăn nuôi, đã có bò sữa, bò thịt và phát triển đàn gà lấy trứng…
Hiện nay, Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp thông minh. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao đã đạt gần 62 nghìn ha, nông nghiệp áp dụng công nghệ thông minh hiện khoảng 50 ha rau thủy canh, 195 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao cảm biến tự động về nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng.
Đối với nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, hiện Lâm Đồng có khoảng gần 78 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C… Tỉnh này cũng có khoảng 14 ha sản xuất hữu cơ, 21 ha theo hình thức bán hữu cơ và 70 ha diện tích đồng cỏ chăn nuôi hữu cơ.
“Có thể thấy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh là rất khả thi”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng đánh giá.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất, tiềm năng để xây dựng kế hoạch phát triển. Theo đó, các địa phương như TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng… phù hợp phát triển rau hữu cơ.
Các địa phương như Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đam Rông, Lâm Hà phù hợp sản xuất lúa hữu cơ, còn Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh phù hợp phát triển chè, cà phê hữu cơ. Đối với chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng hữu cơ, tỉnh này cũng đưa ra kế hoạch phát triển tập trung tại các địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, về vấn đề thị trường, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Lâm Đồng đã xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Nhật Bản, Singapore nhưng chưa nhiều. Đối với thị trường trong nước, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ vẫn còn thấp do người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt sản phẩm hữu cơ với phi hữu cơ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, nông nghiệp phi hữu cơ ở địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng trong tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Do vậy, quan điểm của địa phương là hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, dựa vào canh tác theo hướng tự nhiên, canh tác theo hệ sinh thái trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh.
Đồng thời, phát triển trên cơ sở 5 không gồm: Không phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng kháng sinh, không sử dụng giống biến đổi gen.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học và góp phần phát triển du lịch canh nông, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh luôn khuyến khích để người dân không phát triển nông nghiệp hữu cơ theo phong trào.
Người làm phải dựa trên điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ngoài ra, sản xuất phải gắn với nhu cầu của thị trường, tuân thủ chặt chẽ các quy định về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, mục tiêu của tỉnh là phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững và thân thiện môi trường. Khuyến khích sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp nông nghiệp hữu cơ khu vực và thế giới nhằm đưa Lâm Đồng trở thành địa phương có trình độ sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước.
Tỉnh Lâm Đồng cũng tiến tới mở rộng quy mô diện tích, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu kết hợp phát triển công nghiệp chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ đặc thù nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, Lâm Đồng đang thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu phát triển diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1.600 ha. Trong đó, diện tích rau, củ, quả 250 ha, cây ăn quả 200 ha, lúa 150 ha, chè 200 ha, cà phê 400 ha…
Đối với chăn nuôi, tỉnh hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển đàn bò sữa hữu cơ đạt 2.000 con, đàn bò thịt 400 con, đàn gà 20 nghìn con. Cũng ở giai đoạn này, Lâm Đồng sẽ thực hiện để đạt mục tiêu 100% diện tích sản xuất trồng trọt, bò sữa, bò thịt, gà chăn nuôi hữu cơ lấy trứng đạt chứng nhận hữu cơ.
“Tỉnh đề ra mục tiêu 90% sản lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn 2020-2025 được chứng nhận đảm bảo đầu ra, có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ hoặc tham gia các chuỗi giá trị. Ngoài ra phấn đấu để toàn tỉnh có ít nhất 40 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất hữu cơ”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Qua việc thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng vào sự gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp. Giảm chi phí đầu vào như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… để qua đó tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, hạn chế hàng kém chất lượng. Các sản phẩm hữu cơ cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu. Cũng thông qua việc thực hiện đề án này, Lâm Đồng hướng đến tăng 20-30% gái trị kinh tế trên đơn vị diện tích so với trước đây.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ ở địa phương không những tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nguồn:
https://www.mard.gov.vn/Pages/lam-dong-phat-trien-manh-nong-nghiep-huu-co.aspx
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (27.04.2021)
- Rau hữu cơ, rau an toàn tăng mạnh ở Tây Nguyên (27.04.2021)
- Người nông dân trồng dưa lưới theo quy trình VietGap (22.04.2021)
- Vùng rau đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Đà Nẵng (22.04.2021)
- Số hóa quản lý chăn nuôi (15.04.2021)
- TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN (14.04.2021)
- Rau muốn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao (12.04.2021)
- Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau (12.04.2021)
- Phải có mô hình dừa chuẩn hữu cơ (07.04.2021)
- Thạnh Ngãi tập trung đầu tư phát triển bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP (05.04.2021)