Chăn nuôi tập trung, quy mô lớn
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, heo, gia cầm và cá nước lạnh. Đây là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, bò sữa được xác định là vật nuôi chủ lực của tỉnh với tổng đàn trên 23 nghìn con với sản lượng sữa trên 80 nghìn tấn mỗi năm. Hiện nay, nghề chăn nuôi bò sữa ở địa phương được đánh giá là nghề cho thu nhập ổn định và mang lại sự giàu có cho người dân.
Xem thêm: Dịch vụ chứng nhận hữu cơ chăn nuôi - GreenCert
Thời tiết thuận lợi, đồng cỏ rộng lớn phục vụ chăn nuôi kết hợp việc tiêu thụ sữa đều đặn của các công ty chế biến đã giúp nghề này có sự phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó đàn bò sữa của Lâm Đồng liên tục tăng trưởng.
Ở Lâm Đồng, cá nước lạnh cũng được xem là vật nuôi chủ lực. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện nuôi thử nghiệm và thành công các loại như cá tầm Nga, cá hồi. Dện tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh ở vào khoảng 50 ha với sản lượng cá từ 1.000-1.200 tấn mỗi năm.
Theo ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, ngành chăn nuôi, thủy sản của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, an toàn trước dịch bệnh, địa phương phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, quy mô lớn.
Ông cho hay, trong giai đoạn 2017-2020, Lâm Đồng chịu nhiều thiệt hại bởi sự tác động từ thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi. Và phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chăn nuôi tự phát không đảm bảo vệ sinh là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan, khó kiểm soát.
Do vậy, tỉnh hướng đến giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và hình thành tập quán và các trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nuôi trồng thuỷ sản cũng phải phát triển ổn định, từng bước điều chỉnh đối tượng nuôi và tập trung vào các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, Lâm Đồng đã xây dựng các vùng trọng điểm chăn nuôi dựa trên lợi thế của địa phương. Trong đó, vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi heo tập trung tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và 3 huyện phía nam gồm Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai.
Chăn nuôi gà tập trung chủ yếu tại huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm... và nuôi cá nước lạnh tại Lạc Dương, Đam Rông, Đà Lạt...
Liên kết nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, việc liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Phát triển chăn nuôi cũng cần hướng đến bảo vệ môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các chuỗi liên kết sản xuất của các công ty, như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P (Thái Lan) chăn nuôi lợn, gà; Công ty TNHH Japfa Comfeed (Indonesia) liên kết chăn nuôi lợn và Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (Malaysia) chăn nuôi gà.
Các công ty đã chủ động đầu tư, liên kết với người nông dân để chăn nuôi gia công, là nơi cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, sau đó tiêu thụ lại sản phẩm với số lượng lớn, giúp người dân ổn định chăn nuôi.
Trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, các công ty như Vinamilk, Dalatmilk, Cô gái Hà Lan... cũng liên kết rộng rãi với người dân tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu. Trong đó, Vinamilk liên kết thu mua sữa của 576 hộ chăn nuôi, TH Milk liên kết với Trại chăn nuôi bò sữa Dalatmilk thu mua của 500 hộ chăn nuôi bò sữa, Công ty Sữa Cô gái Hà Lan liên kết thu mua sữa tươi nguyên liệu của 90 hộ chăn nuôi.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P đã liên kết với 70 hộ dân, tiêu thụ khoảng 19.300 tấn heo hơi mỗi năm. Đơn vị này cũng hợp tác với 23 hộ dân chăn nuôi gia cầm tiêu thụ khoảng 3.565 tấn gà thịt mỗi năm. Trong lĩnh vực cá nước lạnh, gần chục doanh nghiệp liên kết nuôi, tiêu thụ mỗi năm khoảng 800 tấn cá.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi đã có những thay đổi trong nhận thức về chăn nuôi bền vững, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cũng thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đầu tư mạnh vào chăn nuôi của tỉnh”.
Cũng theo ông Long, mục tiêu của tỉnh là phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp. Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và áp dụng chăn nuôi theo VietGAP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
“Chúng tôi cũng đang xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (VietGAP) để có sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình chăn nuôi. Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ cơ sở sản xuất, vận chuyển đến khi đưa vào dây chuyền giết mổ, chế biến, tiêu thụ trên thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Long chia sẻ.
Xem thêm: Dịch vụ chứng nhận VietGAP chăn nuôi - GreenCert
Hiện nay, để hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi bò sữa, tỉnh Lâm Đồng đang hướng đến thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm cho đàn vật nuôi. Đồng thời tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, đẩy mạnh việc tiêm phòng bắt buộc đối với các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Để phát triển chăn nuôi ổn định, an toàn trước dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi. Việc giám sát vận chuyển, buôn bán gia súc gia cầm giữa các vùng, giám sát hoạt động giết mổ cũng được tăng cường.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian từ năm 2016 – 2020, đàn bò (gồm bò sữa và bò thịt) ở của địa phương địa phương tăng từ 91.591 con lên 115.840 con. Trong đó đàn bò sữa tăng từ 19.235 con lên 23.410 con.
Cũng trong thời gian này, đàn gia cầm cũng tăng mạnh. Duy có đàn trâu và heo giảm mạnh. Trong đó, năm 2016, đàn trâu của địa phương là gần 16.000 con nay giảm xuống còn 14.578 con; đàn heo từ 436.261 con giảm xuống 416.465 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định ở mức 2.650 ha, trong đó diện tích cá nước lạnh 50ha.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng thịt hơi các loại được ghi nhận tăng từ 90.538 tấn lên 111.135 tấn. Nghề trồng dâu nuôi tằm được khôi phục và tiếp tục phát triển, trứng giống tằm ước đạt 286.873 hộp, tăng bình quân 18,8%/năm, sản lượng kén ước đạt 10.321 tấn, tăng bình quân 16,1%/năm.
MINH HẬU – LÊ KHÁNH
- Trồng Trọt Hữu Cơ Là Gì? Vai Trò Trồng Trọt Hữu Cơ Đến Người Tiêu Dùng. (10.03.2021)
- Nhân rộng mô hình VietGap trong nuôi trồng thủy sản (05.03.2021)
- Hiệu quả kép từ chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap (03.03.2021)
- Sản xuất trồng trọt an toàn - hiện trạng và xu hướng phát triển tại địa bàn tỉnh (26.02.2021)
- Giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (26.02.2021)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAP (19.01.2021)
- Đi sau vẫn thành công nhờ áp dụng 4.0 vào nuôi gà Đông Tảo (19.01.2021)
- Gạo hữu cơ Thái Lan thêm cú hích (18.01.2021)
- Phú Yên triển khai lập đề phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (15.01.2021)
- Vinamilk xây tổ hợp resort bò sữa Organic 5.000ha tại Lào (15.01.2021)