Tại Nghệ An đã có nhiều HTX sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGAP (Ảnh: TL) |
Là xã thuần nông của huyện Nghi Lộc (Nghệ An), những năm qua Nghi Long tập trung chú trọng đầu tư, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình canh tác, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao nhằm cải thiện nguồn thu cho bà con. Tình hình đến lúc này rất khả quan, mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn.
Liên kết nông dân bằng Tổ hợp tác, HTX
Xã Nghi Long xưa nay có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, lâu nay sản xuất nông nghiệp chủ yếu triển khai theo quy mô hộ gia đình, phương thức manh mún, chưa tạo ra sợi dây liên kết nên đầu ra sản phẩm bấp bênh khiến người nông dân thường phải chịu tình cảnh thua thiệt.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích về kinh tế mà còn tác động khá lớn đến khía cạnh tâm lý của bà con. Để tạo dựng niềm tin và khuyến khích nông dân gắn bó mật thiết với đồng ruộng, đòi hỏi cần một hướng đi mới mang tính đột phá.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2018 UBND xã Nghi Long đã chủ động xây dựng Tổ hợp sản xuất VietGAP Nghi Long, tiến hành sản xuất các loại cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình thu hút sự tham gia của 62 hộ, triển khai trên diện tích gần 6 ha, bao gồm 3.600 m2 nhà lưới. Được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm rõ quy trình sản xuất sạch nên các hộ mạnh dạn triển khai sản xuất gối vụ nhiều mặt hàng (dưa lê, dưa hấu, su hào, bắp cải, súp lơ, bí đỏ…) đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.
Quá trình thực hiện phía Globalcert tập trung vào các nội dung trọng tâm như lấy mẫu đất, nước phân tích, đánh giá; hướng dẫn xã thành lập Ban chỉ đạo; mở các lớp tập huấn cho các thành viên trong Tổ hợp tác thực hiện thuần thục các bước từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế; hướng dẫn bà con tuân thủ các quy định VietGAP; khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học…
Chỉ sau một thời gian ngắn tình hình có sự chuyển biến rõ rệt, những kết quả thu về chính là thước đo chuẩn xác nhất.
Tổ hợp sản xuất VietGAP Nghi Long được cấp giấy chứng nhận sản xuất bí đỏ, bắt cải, su hào, súp lơ theo tiêu chuẩn VietGap (Ảnh: TL) |
Chị Nguyễn Hoài An, một thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, nếu như trước đây, những khái niệm như, ghi chép nhật ký ruộng đồng, áp dụng đa dạng hóa các loại cây trồng để cung ứng theo yêu cầu, sản xuất theo chuỗi liên kết… còn khá lạ lẫm, thì nay tất cả đều được các thành viên tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ.
Đáng mừng hơn cả là sự chuyển biến rõ nét về nhận thức khi tư duy mạnh ai nấy làm cơ bản đã bị loại bỏ, bởi khi tham gia vào ngôi nhà chung họ hiểu hơn ai hết “trong lợi ích của tập thể có quyền lợi của cá nhân”.
Tuân thủ nghiêm ngặt các bước nên các mặt hàng (bí đỏ, bắp cải, su hào, súp lơ) của Tổ hợp tác sau quá trình phân tích đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng nên nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng trên địa bàn và các vùng lân cận (TP Vinh, Hà Tĩnh…) đặt trọn niềm tin.
Với tiến độ như hiện nay dự kiến tổng sản lượng hàng năm có thể đạt đến 420 tấn, bài toán đầu ra dường như không còn là mối bận tâm.
Cần nhân rộng mô hình sản xuất VietGAP
Nghệ An là một tỉnh lớn, có số dân đông, trên 3,3 triệu người, trong đó có 85% dân số sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm hơn 50% tổng số lao động toàn tỉnh. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, đồng thời Nghệ An cũng được đánh giá là một trong những tỉnh rất phù hợp phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Chính bởi vậy, lân nay tỉnh đã dành nguồn lực, tập trung vận động nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là nâng cao trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân, vận động, hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất, thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp.
Điều đặc biệt là hướng dẫn nông dân cách thức hợp tác sản xuất, phân tích cho nông dân hiểu cái lợi của việc hợp tác làm ăn, vận động nông dân xây dựng Tổ hợp tác, HTX. Chỉ dẫn cách thức tổ chức HTX.
Hiệu quả đã rất rõ ràng, bằng chứng là thông qua quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm qua được triển khai đồng bộ, đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển gắn với thế mạnh của từng lĩnh vực và từng địa phương.
Trong đó, nhiều Tổ hợp tác, HTX đã giúp người dân thoát nghèo nhờ áp dụng sản xuất theo quy trình VietGap như: HTX Nông nghiệp Thanh Đức (huyện Thanh Chương) đã được chứng nhận VietGAP với diện tích 20ha trồng cam, năng suất đạt 10 tấn/ha; HTX chăn nuôi Nghĩa Thái (huyện Tân Kỳ) ; HTX nông nghiệp Lèn Voi - Tân (huyện Tân Kỳ), Tổ hợp tác sản xuất VietGap Nghi Long (huyện Nghi Lộc)...
Tuy nhiên, để mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng rộng rãi thì không chỉ riêng một mình phía Chính quyền có thể làm được, rất cần sự chủ động từ phía các HTX, THT và nguời dân. Bởi chính sự chủ động của các HTX, cùng với chủ trương của chính quyền các cấp sẽ giúp cho ngành nông nghiệp của Nghệ An phát triển bền vững.
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (27.04.2021)
- Rau hữu cơ, rau an toàn tăng mạnh ở Tây Nguyên (27.04.2021)
- Người nông dân trồng dưa lưới theo quy trình VietGap (22.04.2021)
- Vùng rau đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Đà Nẵng (22.04.2021)
- Số hóa quản lý chăn nuôi (15.04.2021)
- TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN (14.04.2021)
- Rau muốn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao (12.04.2021)
- Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau (12.04.2021)
- Phải có mô hình dừa chuẩn hữu cơ (07.04.2021)
- Thạnh Ngãi tập trung đầu tư phát triển bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP (05.04.2021)