Mục tiêu nhằm tuyên truyền, nhân rộng và phát triển bền vững mô hình nuôi cá rô phi, tạo sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm.
Mô hình được triển khai tại 2 xã Thắng Thủy và Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo), với tổng số giống thả nuôi là 90.000 con, mật độ thả 3 con/m2, tổng diện tích nuôi 30.000m2, độ sâu mực nước ao nuôi từ 1,5 - 1,8m.
Các điểm triển khai mô hình đều không có dịch bệnh xảy ra
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống và 30% vật tư (thức ăn, chế phẩm sinh học...). Trước khi triển khai mô hình, các chủ hộ đều được tham gia các lớp tập huấn, thông qua đó từng bước tiếp cận, áp dụng và mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí, quy trình kỹ thuật của mô hình.
Trung tâm khuyến nông Hải Phòng đã hướng dẫn các hộ thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế trong hợp đồng mô hình.
Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các quy phạm VietGAP thủy sản, các điểm nuôi cá thuộc mô hình hầu như không có dịch bệnh xảy ra. Mô hình được các đoàn kiểm tra của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam đánh giá cao về các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng theo VietGAP nuôi, kết quả đạt được và khả năng nhân rộng.
Cụ thể các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra: Năng suất đạt 17,76 tấn/ha, sản lượng đạt 53,28 tấn, cỡ thu hoạch 700 - 1.000 gram/con, tỉ lệ sống khoảng 80%, lợi nhuận đạt gần 100 triệu đồng/ha; 3 cơ sở nuôi đã được cấp chứng nhận VietGAP thủy sản.
Trong 3 hộ thực hiện mô hình có ao nuôi của ông Tống Khánh An là ao nổi. Nuôi cá ao nổi có ưu điểm là khi tát ao có thể tháo nước triệt để, phơi khô dễ, cải tạo đáy tốt, giảm được chi phí cải tạo, chi phí xử lý nước. Khi đào ao, không cần đào sâu như ao chìm, đất lấy từ lòng ao đã đủ đắp bờ không tốn đất bên ngoài. Ao nổi với bề mặt thoáng cao giúp môi trường nước sạch, cá ít dịch bệnh, cá lớn nhanh.
Thực tế cho thấy, nuôi ao nổi cá đạt kích cỡ to hơn trung bình 800gram/con sau hơn 5 tháng nuôi. Hình thức nuôi trong ao nổi có nhiều ưu điểm, có thể là hướng đi phù hợp với một số vùng đang chuyển đổi hình thức canh tác.
Sau hai năm thực hiện mô hình cho thấy kết quả đạt được là rất khả quan, năng suất vượt 10 - 20% so với yêu cầu. Đặc biệt ở tất cả các điểm mô hình đều không có dịch bệnh xảy ra. Đây là yếu tố gần như quyết định đến tỉ lệ sống, năng suất đạt được, giảm rất nhiều chi phí về thuốc và chế phẩm xử lý.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã liên hệ với đơn vị thu mua để kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vì vậy các hộ đã phần nào yên tâm về thị trường đầu ra.
Tuy nhiên thực tế cho thấy giá bán sản phẩm hiện vẫn áp dụng theo giá thị trường mà chưa có sự khác biệt đối với sản phẩm được chứng nhận VietGAP. Đây là băn khoăn rất lớn của những người sản xuất. Do đó, cần có những cơ chế chính sách của các cấp các ngành và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Tổ chức các đợt kết nối, tiếp xúc giữa người sản xuất với các hệ thống phân phối, tiêu thụ...
Nguồn: nongnghiep.vn
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mở hướng mới cho nông nghiệp Việt Nam (29.07.2021)
- Đặc sản dừa sáp Cầu Kè được chứng nhận VietGAP (22.07.2021)
- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ (17.07.2021)
- Thâm canh cây trồng giá trị cao, quy mô lớn theo VietGAP (14.07.2021)
- Hà Nội đẩy mạnh sản xuất rau hữu cơ (06.07.2021)
- Thâm canh nhãn theo quy trình VietGAP (28.06.2021)
- Giám đốc hợp tác xã trồng rau hữu cơ (24.06.2021)
- Hiệu quả sản xuất rau VietGAP tại Đồng Văn (17.06.2021)
- Hợp tác xã rau hữu cơ Khôi Nguyên hướng đến người tiêu dùng (16.06.2021)
- Ban hành tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm đất sạch dùng trong nông nghiệp (11.05.2021)