Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2-2019 đến nay, khiến ngành chăn nuôi lợn lao đao. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, các địa phương trong cả nước đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ðơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) đã áp dụng mô hình chăn nuôi ATSH cho hơn 500 hộ gia đình ở Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 30 nghìn con lợn hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh. Khối lượng xuất chuồng bình quân gần 90 kg/con, tăng trọng từ 19 đến 20 kg/con/tháng; tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%; giảm từ 10 đến 12% thức ăn so với chăn nuôi truyền thống; tiết kiệm khoảng 80% lượng nước do hoàn toàn không phải tắm lợn, không rửa chuồng hằng ngày, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi. Người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, người chăn nuôi liên kết với tập đoàn yên tâm và tin tưởng cả về hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín (trang trại, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh) của Tập đoàn Quế Lâm là tương đối tiêu biểu, ít có ở nước ta, tiết kiệm chi phí sản xuất, do vậy cần tiếp tục nhân rộng ra các hộ gia đình để bảo đảm sinh kế và việc làm cho người dân, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn hiệu quả trong thời gian tới. Cùng với Tập đoàn Quế Lâm, trong 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh vào chăn nuôi với chuỗi liên kết khép kín (bao gồm đầu tư nghiên cứu, sản xuất con giống, thiết bị chuồng trại, áp dụng công nghệ hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến...), góp phần thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển bền vững hơn. Đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong chăn nuôi ở hầu hết các địa phương, dưới các hình thức: chăn nuôi gia công, hợp tác xã chăn nuôi, doanh nghiệp và nông dân cùng làm. Điển hình như chuỗi sản xuất thịt lợn, gia cầm của các công ty C.P, Dabaco, Emivest, Japhacomfeed, Ausfeed, Thái Dương, Greenfeed, Bình Minh; chuỗi sản xuất trứng gia cầm của Công ty Ba Huân, Hợp tác xã (HTX) Tiên Viên…, tạo được niềm tin đối với người dân. Đặc biệt, trong chăn nuôi gà, Tập đoàn Hùng Nhơn đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi sản phẩm công nghệ cao khép kín, gồm: Công ty Bel Gà (của Bỉ, cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (Hà Lan, cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước, tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty Koyu & Unitek (Ðồng Nai, chế biến và giết mổ) xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà sang thị trường “khó tính” Nhật Bản từ tháng 9-2017 đến nay rất hiệu quả. Tiếp đến là mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy ở HTX gà Lạc Thủy (xã An Bình, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình): Sử dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH, chuỗi liên kết, bảo đảm từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ được coi là điểm sáng của địa phương này. Theo Giám đốc HTX Bùi Đông Giang, hiện HTX có hàng chục hộ gia đình đang chăn nuôi gà Lạc Thủy theo hướng ATSH, cho nên gà có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon, dai và ngọt. Gà Lạc Thủy đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng bốn sao. Ngoài đưa gà thịt sơ chế cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn, HTX còn cung cấp con giống cho các gia đình có nhu cầu trong vùng và các địa phương khác (Thanh Hóa, Nghệ An...).
Hiện cả nước có 28 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (theo chuỗi) cấp huyện, 129 vùng cấp xã và hơn 1.000 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp trang trại. Công tác đào tạo, tập huấn nhằm phổ biến, tuyên truyền kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm cho người tham gia giết mổ, triển khai nội dung liên quan trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế” được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với chuỗi sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, nhất là các sản phẩm đã qua chế biến ngày càng đa dạng, chất lượng tốt hơn, đem đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Việc kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm ở cả trung ương và địa phương, từng bước thu được những kết quả khả quan, hạn chế đáng kể thực phẩm mất an toàn, chất lượng không bảo đảm lưu hành trên thị trường.
Thực tiễn cho thấy, nếu tiếp tục nhân rộng được các mô hình chăn nuôi hữu cơ - ATSH ở nhiều địa phương trong cả nước thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ “gặt hái” được nhiều “quả ngọt”: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt giá trị cao hơn, cung cấp thêm nhiều thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nguồn: nhandan.com.vn
- Trồng Trọt Hữu Cơ Là Gì? Vai Trò Trồng Trọt Hữu Cơ Đến Người Tiêu Dùng. (10.03.2021)
- Nhân rộng mô hình VietGap trong nuôi trồng thủy sản (05.03.2021)
- Hiệu quả kép từ chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap (03.03.2021)
- Sản xuất trồng trọt an toàn - hiện trạng và xu hướng phát triển tại địa bàn tỉnh (26.02.2021)
- Giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (26.02.2021)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAP (19.01.2021)
- Đi sau vẫn thành công nhờ áp dụng 4.0 vào nuôi gà Đông Tảo (19.01.2021)
- Gạo hữu cơ Thái Lan thêm cú hích (18.01.2021)
- Phú Yên triển khai lập đề phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (15.01.2021)
- Vinamilk xây tổ hợp resort bò sữa Organic 5.000ha tại Lào (15.01.2021)