Nông nghiệp hữu cơ đang thành trào lưu ở các nước phát triển, sản phẩm hữu cơ thành mốt thời thượng của giới nhà giàu. Nhưng tại Việt Nam phương thức SX mới này vẫn đang bị hẫng chân không chỗ đứng.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó phát triển do giá thu mua thấp
Nông nghiệp hữu cơ là quá trình trồng trọt, chăn nuôi không sử dụng hóa chất (phân hóa học, thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng…), bền vững với đất đai, hệ sinh thái, tốt cho sức khỏe và truy nguyên được nguồn gốc.
Thế giới hiện có 32,7 triệu ha đất SXNN hữu cơ, chiếm 0,9% diện tích canh tác, 1,8 triệu trang trại nông nghiệp hữu cơ, riêng khu vực châu Á 3,7 triệu ha; dẫn đầu là Trung Quốc (1,9 triệu ha), Ấn Độ (1,2 triệu ha). Tổng doanh thu các sản phẩm hữu cơ toàn cầu đạt 54,9 tỉ USD.
Cũng như nông dân ở nhiều nước khác, nông dân VN được hiểu là đã canh tác hữu cơ hàng ngàn năm nay. Ở các tỉnh miền núi có chè, cà phê, hoa quả, cây thuốc, đặc sản rừng và chăn nuôi hầu hết chúng đều mang tính tự nhiên, nông dân chưa sử dụng hóa chất nên có thể coi là SX hữu cơ hoặc dễ chuyển sang SX hữu cơ. Tuy nhiên SXNN hữu cơ theo khái niệm hiện đại vẫn còn là điều mớ mẻ ở VN.
Tính đến năm 2010 cả nước có 21.000 ha nông nghiệp hữu cơ, bằng 0,2% diện tích đất SXNN, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ 7.000 ha. Các sản phẩm hữu cơ của VN đang được XK là tôm, cá ba sa, chè, hoa quả, gia vị… với 13 tổ chức là nhóm nông dân SX và DN được quốc tế chứng nhận đạt chuẩn để XK sản phẩm hữu cơ.
Thị trường tiêu thụ nội địa nông sản hữu cơ về cơ bản vẫn chông chênh không chỗ đứng, dù trong những năm gần đây có một vài công ty cố gắng giới thiệu sản phẩm trên địa bàn Hà Nội hay các tỉnh, thành lớn. Hàng loạt mô hình nông nghiệp hữu cơ nhưng tìm đỏ mắt khó thấy cái nào tìm được đầu ra thực sự.
Chính phủ Đan Mạch thông qua ADDA (Tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp Châu Á) và Hội nông dân thực hiện dự án nâng cao nhận thức và hiểu biết kỹ thuật về canh tác nông nghiệp hữu cơ cho nông dân 9 tỉnh, thành từ 2005- 2012. Có 70 ha nông nghiệp hữu cơ với các đối tượng rau, lúa, cam, vải, nho, chè và cá nước ngọt.
Kết quả, nhóm rau hữu cơ ở xã Đình Bảng (Bắc Ninh) SX trên diện tích 5.000 m2, cung cấp cho vài nhà hàng trong vùng và…chấm hết. Nhóm rau hữu cơ Hà Nội và Hòa Bình cung cấp thường xuyên ra thị trường khoảng 2,5- 3 tấn cũng không thể hơn. Chi phí cho SX rau hữu cơ không lớn, chủ yếu là phân bón nhưng khá tốn công lao động, chăm sóc vả lại năng suất rau hữu cơ chỉ bằng 70- 90% rau thông thường, giá thu mua không khác biệt lớn làm sao thu hút được nông dân?
Dù VN là một trong những nước XK gạo hàng đầu thế giới nhưng gạo hữu cơ vẫn còn là của hiếm. Trong vụ hè thu 2011, Cty Viễn Phú bắt đầu SX 80 ha lúa hữu cơ tại Cà Mau. Lúa SX theo quy trình riêng, giống do Cty chọn lọc, sử dụng phân hữu cơ nhập khẩu, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học. Những sản phẩm gạo hữu cơ đầu tay đạt chuẩn Châu Âu, Mỹ như “Hoa sữa trắng”, “Hoa sữa đen”, “Hoa sữa tím”, “Hoa sữa đỏ” nhưng vẫn còn dò dẫm thử phản ứng của thị trường.
Ecolink-Ecomart là đơn vị đi đầu trong SX chè hữu cơ. Thời gian đầu Cty SX ở Thái Nguyên và hứng trọn thất bại bởi nông dân ở đây quen với việc thâm canh chè đã lén lút dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Sau khi di dời vùng SX lên Lào Cai và Hà Giang, lấy nguyên liệu là giống chè san tuyết sẵn có rồi chế biến, mọi chuyện cơ bản đã thuận chiều.
Giá bán chè hữu cơ của đơn vị xuất sang Châu Âu, Mỹ đạt khoảng 6 USD/kg nhưng sản lượng còn khiêm tốn. Việc tiêu thụ nội địa của chè hữu cơ chẳng được là bao bởi người tiêu dùng chê…đắt. Trong lĩnh vực thủy sản, năm 2000 Cty Camimex triển khai dự án nuôi tôm sinh thái đầu tiên ở Cà Mau. Nay 1.238 hộ nông dân 6.450 ha đất rừng ngập mặn ở tỉnh này được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm tôm hữu cơ. Tuy vậy DN mới chỉ XK được sản phẩm của mình sang Thụy Sĩ còn các thị trường khác chưa sẵn lòng chấp nhận giá cao dù Camimex đã rất nỗ lực chào hàng.
Tôi từng đi xem nông dân Hải Phòng nuôi cá hữu cơ, nông dân Bắc Ninh trồng rau hữu cơ mấy năm trước nhưng trở lại những nơi này, nông nghiệp hữu cơ như một vật xa lạ để trong hộp kính của bảo tàng, chẳng mở rộng diện tích được. Hỏi ai cũng than, làm nông nghiệp hữu cơ tốn công mà giá bán chẳng có sự khác biệt lớn với sản phẩm thông thường. |
Ông Phạm Tiến Dũng khoa Nông học, Đại học Nông nghiệp Hà Nội phân tích: “SX hữu cơ ở VN gặp quá nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là phòng trừ sâu bệnh. Sau nhiều năm nông dân sử dụng quá nhiều hóa chất trên đồng ruộng đã làm cho hệ sinh thái côn trùng mất cân bằng, đặc biệt ở những vùng chuyên canh. Nếu SX chưa thành vùng rộng thì càng khó hơn do sâu bệnh hại ở vùng thông thường sẽ tràn vào khu vực SX hữu cơ.
Khó khăn thứ hai là nông dân hiện nay có thói quen cố hữu về sử dụng thuốc hóa học, phân hóa học. Khó khăn thứ ba là thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước còn bấp bênh, SX nhiều lo không bán được mà bán như giá bình thường nông dân sẽ không chịu được bởi tốn công. Do đó ngoài giải thích, tuyên truyền, quảng bá về nông nghiệp hữu cơ còn cần có sự hỗ trợ của nhà nước cho nhà nghiên cứu, nông dân và cấn sớm cho ra đời các tổ chức chứng nhận hữu cơ đủ uy tín”.
- Trồng Trọt Hữu Cơ Là Gì? Vai Trò Trồng Trọt Hữu Cơ Đến Người Tiêu Dùng. (10.03.2021)
- Nhân rộng mô hình VietGap trong nuôi trồng thủy sản (05.03.2021)
- Hiệu quả kép từ chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap (03.03.2021)
- Sản xuất trồng trọt an toàn - hiện trạng và xu hướng phát triển tại địa bàn tỉnh (26.02.2021)
- Giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (26.02.2021)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAP (19.01.2021)
- Đi sau vẫn thành công nhờ áp dụng 4.0 vào nuôi gà Đông Tảo (19.01.2021)
- Gạo hữu cơ Thái Lan thêm cú hích (18.01.2021)
- Phú Yên triển khai lập đề phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (15.01.2021)
- Vinamilk xây tổ hợp resort bò sữa Organic 5.000ha tại Lào (15.01.2021)