“Đối với Hội An, chỉ có thể làm nông nghiệp hữu cơ, đưa ra những sản phẩm an toàn mới có thể phát triển nông nghiệp bền vững được. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nông nghiệp gắn với trách nhiệm của cộng đồng và nông nghiệp hướng đến du lịch”.
Tuy diện tích đất nông nghiệp ít, giá trị sản xuất chỉ đóng góp dưới 10% trong cơ cấu kinh tế, song vai trò của nông nghiệp tại Hội An lại vô cùng quan trọng trong việc tạo môi trường sinh thái, cảnh quan và đặc biệt là sản phẩm sạch, an toàn cho người dân và hàng triệu khách du lịch hàng năm. Không những thế, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn là những điểm, là những sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút những đối tượng khách muốn tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm về truyền thống văn hóa trong sản xuất nông nghiệp của người dân Hội An.
Điều này đã được chứng minh qua mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh trong năm 2014. Vì vậy có thể nói, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng là một trong những biện pháp tối ưu để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội bền vững của thành phố trong thời gian đến. “Quy định tiên quyết đối với hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ là đất sản xuất phải cách ly được nguy cơ ô nhiễm từ đường giao thông, khu vực nghĩa trang, khu công nghiệp. Sau đó phải kiểm tra về mẫu đất, mẫu nước nằm trong ngưỡng cho phép, không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật” - Kỹ sư Trần Huỳnh Hải Yến - Cán bộ Phòng Kinh tế Hội An cho biết.
Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Các nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng và kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác. Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo nguyên tắc, mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất; trong đó, đặc biệt không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào, như: thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học; nông nghiệp hữu cơ cũng không sử dụng các chế phẩm biến đổi gien.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được giám sát, đánh giá chất lượng bởi một hệ thống gồm nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, đơn vị kỹ thuật, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân hộ nông dân, người tiêu dùng,… tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ hoặc đang sử dụng sản phẩm hữu cơ để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và cá nhân có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ được gọi là Hệ thống bảo đảm cùng tham gia, gọi tắt là PGS.
Sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm nông nghiệp an toàn là quy trình sản xuất. Sản xuất các loại sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, trong khi quy trình sản xuất sản phẩm an toàn vẫn cho phép sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hoá học.
Năm 2013, được sự hỗ trợ của tổ chức Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), PGS Việt Nam, UBND xã Cẩm Thanh đã xây dựng và triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông, với diện tích 6.386 m2 và sự tham gia của 10 hộ nông dân. Đây là một trong những dự án phát triển sản xuất trong Đề án phát triển sản xuất của xã Cẩm Thanh do UBND xã làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới và kinh phí tài trợ. Nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông được thành lập vào đầu năm 2014, đã bắt đầu sản xuất từ tháng 4/2014 với gần 20 chủng loại rau quả khác nhau, được sản xuất quanh năm tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đạt bình quân 400kg/tháng và hiện nay đang trong giai đoạn thanh tra cấp chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ PGS. Bước đầu, mô hình đã cho hiệu quả nhất định, cải thiện thu nhập của các hộ nông dân.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng Phòng kinh tế Hội An khẳng định: “Đối với Hội An, chỉ có thể làm nông nghiệp hữu cơ, đưa ra những sản phẩm an toàn thì mới có thể phát triển nông nghiệp bền vững được. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nông nghiệp gắn với trách nhiệm của cộng đồng và nông nghiệp hướng đến du lịch”.
Để quản lý, giám sát chất lượng cho sản phẩm hữu cơ PGS, thành phố cũng đã thành lập Ban Điều phối lâm thời PGS Hội An gồm 15 thành viên, đại diện cho các tổ chức Nhà nước, các cơ quan kỹ thuật, tổ chức chính trị-xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, hộ nông dân và người tiêu dùng. Đến nay, Ban điều phối đã xây dựng các quy chế hoạt động, quy trình thanh tra cấp chứng nhận cũng như xây dựng nhãn hiệu “Hội An organic” cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Hội An nói chung và chứng nhận PGS Hội An để cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ tại Hội An. Đây có thể nói là tiền đề quan trọng cả về nhận thức, về năng lực sản xuất, năng lực quản lý để phát triển mạng lưới nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn trong thời gian đến./.
Nguồn : hoianrt.vn
- Chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng sức khỏe thế nào (02.01.2025)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)