Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Bắc Kạn xác định là một phần quan trọng trong tái cơ cấu tổng thể kinh tế. Tỉnh tích cực chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung phát triển nông lâm sản hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị đồng thời đề ra nhiều biện pháp tái cơ cấu theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo.
Những năm qua, nông nghiệp, nông thôn Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng đạt cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới.
Nông nghiệp đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho phần lớn dân cư khu vực nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả bước đầu, tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện đời sống của nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.
Kết quả tái cơ cấu ngành giai đoạn 2015 - 2017 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Lĩnh vực trồng trọt liên tiếp được mùa, đặc biệt năm 2015 và 2016 sản lượng đạt trên 185.000 tấn, vượt chỉ tiêu nghị quyết; bình quân sản lượng lương thực đạt trên 600kg/người/năm. Tổng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi theo giá so sánh tăng từ hơn 675 tỷ đồng lên hơn 701 tỷ đồng. Trồng rừng từ 2015 - 2017 đạt hơn 22.830ha. Toàn tỉnh có 85 hợp tác xã nông lâm nghiệp bước đầu hoạt động hiệu quả. Các chương trình bố trí dân cư; thủy lợi; quản lý an toàn thực phẩm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, có thể thấy, nông nghiệp của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế. Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, thiếu những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, an toàn, gắn kết với thị trường. Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chưa khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất đai, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sẽ đưa ra những căn cứ, định hướng lớn nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế tỉnh và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và quốc tế.
Bắc Kạn xác định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống.
Ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào trong quá trình tái cơ cấu. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2018 - 2020, ngành xác định xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp bền vững để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những mục tiêu dự kiến là tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông lâm nghiệp đến hết năm 2020 đạt 4,5%/năm; tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chiếm 31%. Đối với nội ngành, đến năm 2020, cơ cấu trồng trọt chiếm 40%; chăn nuôi 28%; lâm nghiệp 29% và thủy sản 3%. Góp phần tăng GDP bình quân đầu người của tỉnh đến 2020 đạt trên 39 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 2%. Đảm bảo an ninh lương thực, đến năm 2020 đạt 175.000 tấn.
Duy trì, phát triển ổn định và nâng cao chất lượng diện tích các cây trồng đặc sản như: 3.600ha cam, quýt; 1.000ha hồng không hạt; 3.000ha chè; đầu tư, cải tạo, nâng cao chất lượng diện tích cây ăn quả 500ha/năm; 1.000ha dong riềng; 1.000ha thuốc lá… Phấn đấu đàn trâu 65.000 con; bò 27.000 con; đàn dê trên 50.000 con… Phấn đấu xây dựng 6 cơ sở chăn nuôi theo VietGAP; có 130 hợp tác xã nông nghiệp; 22 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới…
Để đạt mục tiêu đó, nhiều giải pháp sẽ được triển khai. Đối với trồng trọt tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng linh hoạt diện tích, sản lượng lúa hợp lý, ổn định diện tích theo quy hoạch; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa. Tập trung sản xuất một số cây trồng thế mạnh gồm lúa; ngô; dong riềng; thuốc lá; chè; cây ăn quả; rau màu. Đối với chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng chăn nuôi dê, gà, lợn theo hướng VietGAP. Trong lâm nghiệp thực hiện quản lý, sử dụng bền vững rừng tự nhiên; thay thế diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng năng suất cao. Đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực phát triển nông thôn; thủy lợi; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ…
Thuận lợi đối với tái cơ cấu nông nghiệp của Bắc Kạn đó là nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 đã và sẽ tiếp tục được các Vụ, Viện, Cục của Bộ đóng góp ý kiến; hỗ trợ triển khai. Tin tưởng rằng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, việc tái cơ cấu nông lâm nghiệp của tỉnh sẽ sớm thành công, từng bước khẳng định vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong thời gian tới./.
Nguồn : baobackan.org.vn
- Chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng sức khỏe thế nào (02.01.2025)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)