Trong đó khuyến khích phát triển các sản phẩm rau củ, quả organic để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ – Phát triển và hội nhập”, chiều 15/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên và đáp ứng nhu cầu bổ dưỡng phục vụ người tiêu dùng.
Nông nghiệp hữu cơ đang là phong trào của thế giới với 43 triệu ha diện tích, với thị trường vào khoảng 80 tỷ USD, nông nghiệp hữu cơ những năm gần đây phát triển rất nhanh. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 70.000 ha nông nghiệp hữu cơ ở 33 địa phương trên cả nước với nhiều mô hình của các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như TH, Vinamilk…
Hiện, sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn khá mới đối với người tiêu dùng. Thị trường nông nghiệp hữu cơ có giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao; các tiêu chuẩn đánh giá còn yếu và thiếu, chưa có các hệ thống chứng nhận rõ ràng. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng còn chưa phân biệt được khái niệm “sản phẩm hữu cơ” nhiều lúc còn nhầm lẫn giữa sản phẩm sạch và sản phẩm organic.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ cho rằng, phát triển các nông nghiệp hữu cơ cần tập trung vào những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế như dược liệu, dừa và dầu dừa để xuất khẩu. Riêng thị trường trong nước cần khuyến khích phát triển các sản phẩm rau củ, quả organic vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Theo ông Thành, nâng cao nhận thức cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ, phải có chỉ dẫn địa lý và thông báo cho cộng đồng biết ai là người làm sản phẩm hữu cơ. Đồng thời tạo kênh phân phối coi đó là địa chỉ tin cậy và cam kết cung cấp sản phẩm hữu cơ; áp dụng bảo hiểm cho các người sản xuất bán sản phẩm hữu cơ.
“Truyền thông nâng cao ý nghĩa của sản phẩm hữu cơ không chỉ là thực phẩm dinh dưỡng mà còn coi đó là định hướng về “giá trị cuộc sống”, bảo vệ môi trường sinh thái. Hơn nữa cần có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp, cá nhân tổ chức sản xuất trong chuỗi giá trị về hữu cơ”, ông Thành cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, giải pháp then chốt hiện nay là hoàn thiện thể chế kinh tế, các cơ chế, chính sách. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan sẽ xây dựng và hoàn thiện “Nghị định về nông nghiệp hữu cơ” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
“Quan điểm của Bộ NN&PTNT là tập trung chỉ đạo sản xuất ra các sản phẩm an toàn theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp – VietGap, Global Gap. Phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường đảm bảo năng suất và sức cạnh tranh, trong đó khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là nhu cầu lớn và là tiềm năng để phát huy sản xuất nông nghiệp hữu cơ qua đó đề xuất Chính phủ các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ./.
Nguồn : thainguyentv.vn
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (27.04.2021)
- Rau hữu cơ, rau an toàn tăng mạnh ở Tây Nguyên (27.04.2021)
- Người nông dân trồng dưa lưới theo quy trình VietGap (22.04.2021)
- Vùng rau đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Đà Nẵng (22.04.2021)
- Số hóa quản lý chăn nuôi (15.04.2021)
- TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN (14.04.2021)
- Rau muốn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao (12.04.2021)
- Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau (12.04.2021)
- Phải có mô hình dừa chuẩn hữu cơ (07.04.2021)
- Thạnh Ngãi tập trung đầu tư phát triển bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP (05.04.2021)