Dựng rào cản, siết nhập khẩu
Mới đây, tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ giải cứu để xuất khẩu cây thạch đen của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh này cho biết, thạch đen có thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, song tháng 5/2018, phía Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây vào thị trường nước này.
Theo đó, doanh nghiệp muốn nhập các hàng hóa trên vào thị trường đều có giấy phép của các cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói. Điều này đã khiến nông dân thiệt hại nặng do cây thạch đen không thể xuất khẩu được.
Trước đó, Vụ Thị trường Châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cũng cho biết, kể từ 1/4/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn bị Trung Quốc “cấm cửa” |
Không chỉ “cấm cửa” với cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn và các loại hoa quả không rõ nguồn gốc, thị trường Trung Quốc còn tăng cường rào cản với nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Đơn cử, vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, Trung Quốc cũng đã đặt ra các yêu cầu rất nghiêm ngặt với hạt gạo Việt và đã cử đoàn công tác sang tận ruộng, vào tận nhà máy để kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến gạo.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cuc trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) trước đó trao đổi với PV. VietNamNet cũng thừa nhận, Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch với mặt hàng thịt lợn nên năm 2017 và năm 2018, thịt lợn sống của Việt Nam không thể xuất khẩu qua nước này.
Không còn là thị trường dễ tính
Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 75%, song, theo các chuyên gia trong ngành, thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân này không còn là thị trường dễ tính, hay “ăn tạp” như trước nữa, thay vào đó, họ chuyển sang xu hướng ăn ngon, ăn chất lượng.
Chia sẻ về vấn đề trên, tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” diễn ra hồi tháng 8/2018, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, cho biết: :Ẩm thực với người Trung Quốc rất quan trọng. Chúng tôi rất thích ăn, biết ăn và ăn rất khỏe. Tuy nhiên, người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước, các chuyên gia cho rằng nông sản Việt xuất khẩu cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường lớn đầy tiềm năng này |
Theo ông Thành, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Song, nông sản Việt vẫn đang xuất sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, xuất chính ngạch còn rất hạn chế.
“Tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Hiện Trung Quốc rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung, với sức sản xuất, lao động của mình,... họ không thể có nguồn nông sản cung cấp đủ, chỉ là họ đi từ phân khúc này sang phân khúc khác, từ tiêu chuẩn này sang tiêu chuẩn khác và chúng ta phải nắm bắt được, từ đó sản xuất ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam lớn nhất tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu. Đặc biệt, với rau quả Việt Nam có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng yếu.
“Quan điểm là đẩy mạnh chính ngạch, hài hòa các quy định về kiểm soát an toàn, dịch bệnh giữa đôi bên, làm việc với Trung Quốc để đạt được mục tiêu lâu dài nhưng cần có lộ trình để không ảnh hưởng, tắc nghẽn thương mại”. Ông Tuấn cho biết thêm, phía Bộ NN-PTNT sẽ cố gắng phối hợp với Bộ Công Thương thông qua các đàm phán thương mại để nắm sâu hơn, cùng xử lý.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc Trung Quốc tăng cường rào cản, siết nhập khẩu tiểu ngạch chính là lời cảnh báo cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. Song, nhìn ở góc độ lạc quan thì điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây.
Nguồn: vietnamnet.vn
- Trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGap ở Long An (10.04.2019)
- Việt Nam sắp ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch (24.06.2022)
- Tập huấn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Đắk Lắk (18.06.2022)
- Hội thảo về truy xuất nguồn gốc tại Khánh Hòa (03.06.2022)
- Xây dựng thế giới công bằng và lành mạnh hơn với các tiêu chuẩn ISO (31.03.2022)
- Gắn nông nghiệp hữu cơ với liên kết doanh nghiệp (01.03.2022)
- Nghị quyết 165/NQ-CP về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 (12.01.2022)
- Cần hiểu đúng về tem truy xuất nguồn gốc (12.12.2021)
- Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng rau hữu cơ ở Hạ Long (06.05.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (05.05.2021)