Từ lâu nay, cái cảnh bên lở bên bồi mỗi khi lũ về đã quá quen thuộc với người dân sống dọc sông Cẩm Lệ. Thế nhưng nó lại vô tình tạo ra doi đất hơn 5 ha, để bây giờ trở thành tài sản “quý như vàng” của hợp tác xã rau La Hường.
Xem ngay :
Chứng nhận VietGap - Greencert
Chứng nhận Hữu Cơ - Greencert
Vai trò hợp tác xã
Ngay từ khi thành lập năm 2010, hợp tác xã rau La Hường thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn các hộ dân về sản xuất, giúp họ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất. Ngoài ra còn hỗ trợ cung cấp đầu vào như giống rau, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giới thiệu tiêu thụ một phần sản phẩm thông qua các cửa hàng rau mini, quầy bán rau tại chợ trên địa bàn thành phố hay tại các hội chợ.
Nhờ vậy, La Hường trở thành vùng rau đầu tiên của Đà Nẵng được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2012.
Một phần vùng rau La Hường nhìn từ trên cao
Mùa mưa, bãi La Hường thường bị ngập từ 2-4 đợt, sâu khoảng 0,5m-1m khi có lũ lụt, thậm chí tới 1-2m. Do vậy, thời gian canh tác sản xuất của vùng rau chỉ được chừng 9 tháng/năm.
Do xa khu dân cư và cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp nặng và bệnh viện cũng như chất thải sinh hoạt, tạo thuận lợi cho việc xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau 6 năm, vùng rau La Hường đã bước đầu chứng minh sự phát triển đúng định hướng nền nông nghiệp đô thị xanh, bền vững, góp phần không nhỏ làm tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 250 lao động với thu nhập bình quân 3,0 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc hợp tác xã rau La Hường, trồng rau VietGAP bà con đỡ cực khổ như trước. Thay vì phải dậy từ 2 giờ sáng ra đồng hái rau, sau đó chở đi các nơi tiêu thụ thì bây giờ họ có thêm 2 tiếng ngủ. Thu hoạch xong, thương lái chờ sẵn chân ruộng đưa đi tiêu thụ.
Đơn vị chủ động xây dựng và duy trì thương hiệu rau La Hường với các sản phẩm rau không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trên mỗi sản phẩm.
Với sản lượng hơn 500 tấn cung ứng mỗi năm, người tiêu dùng đã tương đối quen với thương hiệu La Hường với rau muống (trồng ở chân ruộng thấp); cải ngọt, xà lách, rau ăn quả, hành, ngò... trong các vụ Đông Xuân và Hè Thu (trồng ở chân ruộng trung bình); và súp lơ, các loại cây đậu trong vụ Đông Xuân (trồng ở chân ruộng cao).
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, hợp tác xã đại diện trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng với thương lái, hạn chế tình trạng ép giá. Các đối tác không bảo đảm quy tắc sẽ bị hủy hợp đồng, hợp tác xã sẽ đứng ra bao tiêu, đưa đến các đầu mối tiêu thụ uy tín khác.
Đến thực địa, nghe người dân ở đây nói đến thu nhập tiền triệu mỗi ngày mà sao nghe nhẹ bẫng. Tổng thu trung bình tháng cỡ 50-60 triệu đồng chẳng còn xa lạ, trừ chi phí họ lãi ròng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Được mệnh danh là “đại gia rau muống”, ông Nguyễn Văn Cư (40 tuổi) cho biết nếu không có lũ, mỗi năm ông cắt chừng 10-12 lứa (20 ngày/lứa). Nếu bán với giá cao, thì bó rau to, giá thấp thì bó nhỏ lại, nhưng cũng chừng ấy tiền. Với thời giá hiện nay, gia đình lãi 400 - 500 triệu đồng/năm.
Mặc dù được đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh và cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện đứng điểm hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng, tư vấn định hướng trong sản xuất nhưng trong những năm qua, các hộ dân tại La Hường chủ yếu sản xuất theo ý muốn của mình, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch sản xuất và liên kết với nhau một cách khoa học, dẫn đến tình trạng lúc thừa lúc thiếu sản phẩm, chưa có được những hợp đồng ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài.
Bên cạnh đó, một số hộ chỉ sản xuất cầm chừng giữ đất, thậm chí bỏ đất trống nhiều vụ hoặc trồng các loại cây khác như bắp, lạc, mè vì ít đầu tư và công lao động, chưa thật sự quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, dẫn đến tình trạng như “những miếng da beo loang lổ”, gây khó khăn cho cơ giới hóa việc làm đất cũng như phân bổ khu vực trồng chuyên canh.
Công tác quản lý điều hành sản xuất còn hạn chế, cơ quan đầu mối là hợp tác xã rau La Hường chưa thật sự đủ mạnh để tổ chức quản lý và vai trò “bà đỡ” các thành viên.
Để tiếp tục duy trì và phát triển một cách bền vững đòi hỏi người dân cần mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, cập nhật kiến thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng biện pháp kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, rau hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và đặc biệt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hướng đi triển vọng của mô hình kiểu mới
Hiện số hộ có đất sản xuất tại vùng rau La Hường là 125 với trên 200 lao động trực tiếp được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn ngắn hạn với kinh nghiệm lâu năm về sản xuất cây rau phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Tuy nhiên cũng là thách thức vì lực lượng này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp không ít trở ngại.
Trong khi lực lượng lao động quản lý sản xuất tại vùng rau là 5 người đang độ tuổi từ 45 - 55, đa số chưa qua đào tạo chuyên môn và kỹ năng quản lý, điều hành sản xuất, tiêu thụ cây rau.
Về hướng đi thời gian tới, đề án chuyển đổi mô hình kiểu mới đã kiến nghị UBND quận Cẩm Lệ cho dồn điền đổi thửa. Khoảng 5 ha đất phía Tây đang bỏ trống, hoang hóa, lau lách um tùm thì cho đơn vị được khai thác luôn, nâng tổng diện tích canh tác lên 10 ha để xây dựng cánh đồng rau lớn tạo nguồn cung dồi dào.
“Từ chỗ có hàng hóa, nguồn thu, kinh phí, hợp tác xã mới mạnh dạn làm những việc khác như đầu tư máy sơ chế, lập mạng lưới bán hàng, in logo và nhãn hiệu trên bao bì, đăng ký thương hiệu, xuất xứ hàng hóa…. Đến khi đó mới định danh bền vững trên thị trường, chứ hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ vận động, tập hợp xã viên thực hiện theo tiêu chuẩn sạch và tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Giám đốc hợp tác xã trăn trở.
Người đứng mũi chịu sào của hợp tác xã chia sẻ mô hình kiểu mới sẽ kết hợp du lịch sinh thái, cụ thể kiến nghị quận Cẩm Lệ xây dựng bờ kè sông, làm bến neo đậu tàu thuyền để khách du lịch bằng đường sông có thể ghé thăm, đồng thời mở rộng đường giao thông nội đồng kết nối với khu ẩm thực của Nhật Bản phía Tây, sẵn sàng cung ứng sản phẩm tại chỗ cho họ./.
- Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An-thành phố Bến Tre được công nhận VietGAP (05.04.2021)
- Ở nơi trồng bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGap (02.04.2021)
- Tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường từ nuôi vịt đẻ VietGAP (02.04.2021)
- Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng VietGap hiệu quả (02.04.2021)
- Giới thiệu chung về ngành Rau Việt Nam (01.04.2021)
- Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP hiệu quả cao (23.03.2021)
- Hưng Yên: Chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình Vietgap (22.03.2021)
- Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ (17.03.2021)