Số hiệu: | 06/2021/TT-BNNPTNT |
Cơ quan ban hành: | Bộ NN&PTNT |
Ngày ban hành: | 15/7/2021 |
Người ký: | TT. Nguyễn Hoàng Hiệp |
Loại văn bản: | Thông tư |
Lĩnh vực: | Định mức kỹ thuật |
Hiệu lực: | Còn hiệu lực |
Tải về: |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2021/TT-BNNPTNT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2021 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUẢN LÝ
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật) là mức hao phí cần thiết về lao động, vật tư, máy móc thiết bị để hoàn thành một sản phẩm, dịch vụ công trong một điều kiện cụ thể (hoặc một khối lượng công việc nhất định) đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là trình tự, cách thức thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công.
Điều 4. Mục tiêu xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Làm căn cứ xác định giá sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, tiết kiệm và hiệu quả.
2. Làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
3. Thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác trong ngành nông nghiệp, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân.
Điều 5. Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính phù hợp và hiệu quả để hoàn thành việc thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở, quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công và quy định của pháp luật về chế độ làm việc của người lao động, các định mức, chi phí áp dụng cho các hoạt động chi tiết quy định tại quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công.
3. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng theo từng sản phẩm, dịch vụ riêng hoặc nhóm các sản phẩm, dịch vụ tương đồng về nội dung quy trình thực hiện, giống nhau về tính chất, phương tiện và trình tự thực hiện các hạng mục công việc của sản phẩm, dịch vụ công.
4. Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất.
Điều 6. Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ.
2. Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động.
3. Điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai.
4. Số liệu thống kê hằng năm và các tài liệu có liên quan.
5. Tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc hoặc nhóm công việc.
Điều 7. Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
Đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lựa chọn một hoặc các phương pháp dưới đây:
1. Phương pháp thống kê, tổng hợp
Căn cứ số liệu thống kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, tính pháp lý trong thời gian ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Phương pháp so sánh
Căn cứ vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Phương pháp tiêu chuẩn
Căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, mức tiêu hao máy móc, thiết bị để xây dựng định mức lao động, định mức máy móc, thiết bị cho từng công việc hoặc nhóm công việc.
4. Phương pháp phân tích thực nghiệm
Căn cứ kết quả triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức (lựa chọn những công việc không xác định được qua ba phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế).
Điều 8. Thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật
Thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
1. Định mức lao động
Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp + Định mức lao động gián tiếp, trong đó:
a) Định mức lao động trực tiếp là hao phí lao động (quy đổi ra ngày công) hoàn thành một đơn vị sản phẩm, dịch vụ công;
b) Định mức lao động gián tiếp là định mức lao động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ.
2. Định mức vật tư
Nội dung định mức vật tư xây dựng gồm:
a) Xác định danh mục, chủng loại vật tư, vật liệu cần thiết để hoàn thành theo từng nội dung công việc tạo ra một đơn vị sản phẩm, dịch vụ công;
b) Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư, căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư);
c) Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư, căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;
d) Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư, mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp để thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công.
3. Định mức máy móc, thiết bị
Định mức máy móc, thiết bị là thời gian cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó:
a) Xác định danh mục, chủng loại máy móc, thiết bị;
b) Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của máy móc, thiết bị;
c) Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại máy móc, thiết bị: thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư, điện năng, nhiên liệu trong thời gian sử dụng); thời gian máy chạy không tải (không tiêu hao vật tư).
4. Định mức khác (nếu có).
Chương II
QUY TRÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT
Điều 9. Trình tự xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
Thủ trưởng đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng sản phẩm, dịch vụ công, gồm các bước sau:
1. Thành lập Tổ soạn thảo (nếu cần thiết).
2. Xây dựng dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật (theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này); tổ chức cuộc họp, thảo luận, khảo sát (trong trường hợp cần thiết) để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Lấy ý kiến Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý.
4. Thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định.
5. Xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách.
6. Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để trình Bộ trưởng xem xét, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Điều 10. Thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập Hội đồng thẩm định gồm 07 đến 09 thành viên: 01 Chủ tịch Hội đồng (đại diện Lãnh đạo đơn vị chủ trì), 01 Phó chủ tịch (nếu cần thiết), ủy viên Hội đồng (đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các đơn vị có liên quan).
2. Hồ sơ trình Hội đồng thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng, gồm: dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; bảng tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan; các tài liệu khác (nếu có).
3. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.
4. Họp Hội đồng thẩm định:
a) Cuộc họp của Hội đồng thẩm định được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba số lượng thành viên trong Hội đồng. Các thành viên Hội đồng thảo luận, đánh giá chất lượng của dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật bằng phương pháp bỏ phiếu kín theo các mức sau:
Mức 1: Đạt yêu cầu đề nghị ban hành;
Mức 2: Đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành;
Mức 3: Không đạt yêu cầu phải xây dựng lại.
b) Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng (theo một trong ba mức quy định trên).
...
- Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (10.07.2021)
- Nghi định 43/2017/NĐ-CP về Nhãn hàng hoá (10.07.2021)
- Thông tư 50/2016/TT-BYT Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (10.07.2021)
- Dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác (26.06.2021)
- Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (26.06.2021)
- Thông tư 25/2019/TT-BYT Quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ y tế (26.06.2021)
- Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (26.06.2021)
- Quyết định số 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (26.06.2021)
- Quyết định số 255/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (26.06.2021)
- Quyết định 2547/QĐ-BNN-KH Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24.06.2021)