Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa thăm và làm việc với huyện Tam Nông về việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái.
Tại mô hình lúa - cá - vịt gồm 820 thành viên thực hiện trên diện tích 467ha trong ô bao số 10 ở xã Phú Thành A, mô hình thực hiện từ vụ đông xuân 2022 - 2023 với 8 hộ tham gia trên diện tích 20ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, được hỗ trợ chi phí sạ cụm, phân bón, thuốc BVTV… Nông dân cho biết, với cách làm trữ cá đồng mùa lũ trên ruộng năm 2022, đến nay đã thu hoạch cá, thu nhập được khoảng 100 triệu đồng và đang tiếp tục thu hoạch.
Lúa trong mô hình là giống ST25 được gieo sạ bằng máy sạ cụm với lượng giống tiết kiệm (50kg/ha); bón vùi phân hữu cơ trước khi gieo sạ 350kg/ha, hiện lúa đã được 25 ngày và thả 600 con vịt đẻ vào ruộng để ăn sâu rầy, hạn chế cỏ dại… Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao tính sáng tạo, nhạy bén của nông dân và hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi vịt và cá trên ruộng; ghi nhận đề xuất về hỗ trợ đầu tư đê bao lửng, hệ thống thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện… để nhân rộng mô hình trong ô bao số 10 lên 170 ha.
Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu địa phương tập hợp đội ngũ nông dân có trình độ, tri thức vào câu lạc bộ để quản lý và hướng dẫn nông dân sản xuất lúa - vịt - cá theo đúng quy trình hữu cơ tuần hoàn, giảm phát thải, tăng lợi nhuận…
Thăm và làm việc với HTX Nông nghiệp An Thành và UBND xã Phú Thành A, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị địa phương xác định “nông dân hướng sinh thái hữu cơ, xây dựng nông thôn hiện đại, người nông dân văn minh”, trong định hướng kế hoạch phải phát huy lợi thế này để chuyển đổi sản xuất cây - con phù hợp…
Đặc biệt, không cần nhiều HTX trên địa bàn xã mà chỉ cần một HTX nông nghiệp với quy mô lớn hơn, rộng hơn và chiến lược hơn, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển sang mô hình thông minh, quản lý nguồn nước và cần có sự chuyển đổi tư duy, vận động xã viên góp vốn, xã viên chung tay để thay đổi cách làm, tạo khát vọng cho bà con...
Đến thăm mô hình trồng 215 gốc sầu riêng giống RI6 trên diện tích 12.000m2 sản xuất theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Trang ở Thị trấn Tràm Chim, ông Phạm Thiện Nghĩa rất bất ngờ và thú vị trước cảnh vườn sầu riêng trĩu cành và chuẩn bị thu hoạch đợt II vào khoảng tháng 1/2023. Ông Nghĩa bày tỏ ngưỡng mộ trước sự đam mê, tìm tòi, sáng tạo, đưa cây sầu riêng khó tính về trồng trên vùng đất nhiễm phèn Tam Nông và đem lại hiệu quả khả quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng rất vui khi biết cha con ông Trang hiện đang tham gia Tổ nghề nghiệp trồng sầu riêng tại Thị trấn Tràm Chim, với 22 thành viên trồng 5.835 gốc sâu riêng trên diện tích 38ha và đang chuẩn bị thành lập Hội quán, hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái tại vườn sầu riêng…
Nguồn: nongnghiep.vn
- Chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng sức khỏe thế nào (02.01.2025)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)