Ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong đó có việc nâng cao năng suất chất lượng và phát triển cà phê bền vững. Hạn hán mùa khô đến sớm và kéo dài đang là 1 trong những vấn đề mà người trồng cà phê luôn quan tâm hiện nay. Đối với cây cà phê, năng suất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thời kì nở hoa, mà việc nở hoa cà phê lại phụ thuộc vào thời kì tưới, lượng nước tưới, chu kì tưới và chất lượng nước tưới.
Đối với cây và phê thì sau khi thu hoạch cần 1 khoảng thời gian khô hạn để cây thúc đẩy quá trình phân hoá mầm hoa. Khi phân hoá mầm hoa đầy đủ, bà con nhìn bề ngoài thấy cương lên thường gọi là cương mỏ sẻ. Thì khi tưới nước vào thì cây sẽ bung hoa và bung hoa rất đều. Việc tưới nước nhằm điều khiển sự ra hoa tập trung hoa nở rộ đồng đều tạo điều kiện cho việc thu hoạch tập trung sau này thế nên người trồng cà phê thường tưới nước nhiều thậm chí tưới lượng nước gấp đôi so với khuyến cáo của các ngành chức năng.
Tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì việc tưới nước nhiều dư thừa nước không chỉ gây lãng phí nguồn nước, tăng chi phí về nhân công, nhiên liệu mà quan trọng hơn việc tưới nước dư thừa làm suy giảm mực nước ngầm tạo thách thức lớn cho toàn ngành nông nghiệp khi vấn đề cạn kiệt nguồn nước ngầm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Cũng theo các nhà khoa học việc tưới ít hơn 40% so với lượng nước được khuyến cáo sẽ không làm giảm năng suất cà phê thậm chí việc ức chế về nước sẽ ức chế về nước sẽ kích thích việc phân hoá mầm hoa cà phê mạnh hơn. Thực tế hiện nay bà con đang sử dụng 2 phương pháp tưới là tưới gốc và tưới phun mưa. Phương pháp tưới gốc tuy chi phí mua trang thiết bị thấp nhưng giá nhân công vận hành cao, chi phí nhiên liệu và lượng nước mỗi bồn cà phê phải đảm bảo trong khoảng từ 400 – 600 lít/cây trong 1 lần tưới. Đối với phương pháp dùng béc tưới cà phê mặc dù lượng nước được phân bổ đều các tán cây nhưng chi phí đầu tư khá cao, ít nông dân có điều kiện để thực hiện.
Khi tưới nước quá nhiều sẽ làm hao tổn nhiên liệu, lượng nước tưới đồng thời có thể làm trôi đi, thấm sâu ngoài vùng rễ những chất dinh dưỡng có sẵn trong đất làm đất nghèo đi. Hiện nay phương pháp tưới được các nhà khoa học khuyến cáo là tưới nhỏ giọt cho cây cà phê. Phương pháp này tiết kiệm được từ 40-60% lượng nước tưới đồng thời việc bón phân qua nước giúp tiết kiệm được công bón tránh hiện tượng bón dư thừa cây không hấp thu hết.
Tưới nhỏ giọt cho cây cà phê
Tưới nhỏ giọt là hình thức đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vũng rễ tích cực của cây trồng thông qua các hệ thống đầu nhỏ giọt tự bù của áp lực nước được nhà sản xuất gắn chìm trong ống Pe theo khoảng cách cố định, được bố trí tại từng gốc cây sao cho nước và chất dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và đồng đều cho tất cả cây trồng giúp cho người dân quản lý nước tưới và chất dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất.
Đối với các cây cà phê trên vùng Tây Nguyên việc áp dụng tưới nhỏ giọt ngầm mang lại hiệu quả về lượng nước tưới cũng như quản lý dinh dưỡng tránh thất thoát bay hơi, tuy nhiên để đảm bảo lượng nước tưới đủ cho cây cà phê sinh trường và phát triển, bà con nông dân cần tuân thủ theo nhu cầu nước của từng giai đoạn phát triển của cây cà phê. Tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Isarel sẽ mang nước và chất dinh dưỡng tới từng gốc cà phê ngay tại vùng rễ tích cực hoạt động nhất của cây. Theo công nghệ này với giai đoạn phân hoá mầm hoa là giai đoạn cần siết nước không được tưới nước bà con cần thường xuyên tham vườn quan sát và đánh giá lượng phân hoá mầm hoa, nếu thấy mầm hoa đã phân hoá đầy đủ thì mới tiến hành tưới với lượng nước tưới từ 200-250lít /1 gốc. Lần tưới thứ 2 cách lần tưới thứ 1 từ 20-25 ngày. Với cách tưới nhỏ giọt này có thế tiết kiệm từ 40-50% lượng nước tưới hoa bung đều đồng loạt. Giai đoạn nuôi quả nên tưới phân khoảng 7-10 ngày/ lần, mỗi lần khoảng 30-50 kg phân các loại, liên tục suốt quá trình nuôi quả và tạo nhân, đồng thời nuôi cành dự trữ năm sau. Với phương pháp tưới nhỏ giọt ngầm, tổng lượng nước tưới cà phê trong 1 vụ khoảng từ 1000-1300 m3/1 hecta.
Trong quá trình tưới việc kết hợp bón phân cũng cần được chú ý. Tất cả các phân bón hoà tan, phân đơn, phân lỏng và các loại thuốc diệt tuyến trùng cho bộ rễ, chất cải tạo đất…đều có thể bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Phân và thuốc sẽ được đưa vào hệ thống tưới nhỏ giọt theo hệ thống ống chính ống nhánh đi đến từng gốc cà phê. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, người trồng cà phê chủ động hơn trong việc bón phân cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh và mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Sau khi tưới bung hoa xong có thể tưới thường xuyên có bón phân qua hệ thống 7 ngày/lần trong suốt mùa khô đảm bảo cho cây không rụng trái.
Công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm cho cây cà phê được thiết kế gồm :
- Bộ điều khiển trung tâm.
- Hệ thống ống chính và ống nhánh.
- Hệ thống van khu vực.
- Hệ thống mạng nhỏ giọt.
Với hệ thống này, việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến cung cấp trực tiếp cho bộ rễ của cây trồng được dễ dàng giúp cây cà phê hấp thu tốt hơn lượng dinh dưỡng đã hoà tan trong nước, đồng thời rễ cây sẽ có xu hướng phát triển mạnh về hướng nước nhỏ giọt.
Những năm trước đây phương pháp tưới nhỏ giọt đã được đưa vào khảo nghiệm khá nhiều trên các vườn cây. Song do chính những người chuyển giao công nghệ cũng như bà con nông dân chưa nắm bắt được các quy trình kĩ thuật nên hiệu quả đem lại không cao thậm chí thất bại đối với cây cà phê. Một trong những quy trình quan trọng nhất để tạo nên sự thành công của hệ thống của quy trình tưới nhỏ giọt đó là quy trình gom rễ. Bộ rễ của cây cà phê phát triển ở tầng nông, không phát triển xuống sâu, chúng ta chỉ cần cung cấp đủ lượng tưới cho cây cà phê ở vùng có rễ là cây cà phê có thể ra hoa đậu quả sinh trưởng tốt.
Như vậy, điều quan trọng nhất của quy trình tưới nhỏ giọt là bên cạnh việc tính toán thời gian tưới cho mỗi lần cho từng giai đoạn thì việc gom rễ cây cà phê về quanh đường ống dẫn là yếu tố quyết định đến sự thành công của quy trình tưới nhỏ giọt. Khi rễ tập trung về bao quanh đường ống dẫn nước sẽ giúp cây hấp thụ được tối đa lượng nước và phân bón từ đó chống lãng phí nước và phân bón và nâng cao hiệu quả quy trình tưới nhỏ giọt. Sau khi gom được hơn 70% vùng rễ tích cực bao quanh đường ống lúc này chỉ cần 1 lượng nước vừa đủ cũng có thể làm cho cây bung hoa.
Tây Nguyên nói chung là vùng trồng cà phê nhiều nhất cả nước, hiện nay diện tích vùng trồng cà phê đang ngày càng mở rộng, nhưng do nhiều nguyên nhân mà sản lượng và chất lượng cà phê vùng Tây Nguyên đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Vấn đề giảm năng suất cà phê tại Tây nguyên hiện nay có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như xu hướng già cỗi của cây trồng, quy trình canh tác lạc hậu, hiện tượng thoái hoá đất, sâu bệnh gia tăng, khô hạn thiếu nước tưới… trong đó nguyên nhân khiến nhiều người trồng cà phê đang lo lắng hiện nay chính là vấn về thiếu nước tưới. Để giải quyết vấn đề này thì công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm chính là giải pháp mang tính đột phá trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt là trong tình trạng khô hạn kéo dài như ở Tây Nguyên. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Với từng giai đoạn sinh trưởng của cây cà phê, bà con nông dân có thể điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp mà vẫn tiết kiệm được 40-50% lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống.
Vấn đề quản lý dinh dưỡng hay bảo vệ bộ rễ cây trồng bằng thuốc bảo vệ thực vật cũng trở nên chủ động hơn. Phân và thuốc được lưu dẫn đến bộ rễ tránh lãng phí tăng hiệu quả sử dụng và quan trọng không kém đối với bà con nông dân đó chính là tiết kiệm được từ 30-40% lượng phân bón so với việc bón rải trên mặt bồn. Thêm 1 ưu điểm nữa của công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm đó là bà con có thể vận hành hệ thống bất kì lúc nào mà không tốn chi phí nhân công, thiết bị, nhiên liệu…
Việc lắp đặt bảo dưỡng cũng khá đơn giản. Toàn bộ hệ thống được thiết kế chống tắc và việc súc rửa, bảo trì hệ thống tưới chỉ mất 2 giờ/1năm.
Theo các nhà khoa học, mấu chốt của việc tưới nước tiết kiệm hợp lý theo công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm là bà con phải xác định cho đúng thời điểm tưới nước lần đầu của vụ tưới( tưới đầu vụ) để bố trí lịch tưới cho thích hợp. Tưới quá sớm vừa gây lãng phí vừa làm đảo lộn quá trình sinh trưởng, ra hoa đậu quả kém. Tưới quá muộn, bắt đầu giới hạn chịu ẩm cho phép từ 25-26% làm cho cây cà phê khó phục hồi trạng thái khô héo để phát triển bình thường, thậm chí là không phục hồi được. Đặc biệt với điều kiện thời tiết ở Tây nguyên, mùa khô đến sớm và kéo dài, lượng nước ngầm đến cuối vụ được thông báo sẽ suy giảm nghiêm trọng, mực nước tại các sông suối nhỏ có khả năng bị cạn kiệt thì việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ngầm sẽ giúp người trồng cà phê yên tâm hơn, chủ động về nguồn nước tưới, tiết kiệm và sử dụng phân bón một cách hợp lý hiệu quả.
Lưu ý với bà con nông dân, việc tưới nước ít đi không làm cho cây cà phê kém phát triển mà ngược lại việc siết nước đúng thời điểm sẽ giúp cây cà phê bung hoa mạnh hơn đồng loạt hơn, đậu trái đều. Tưới và bón phân đúng thời điểm tăng năng suất chất lượng hạt cà phê, giúp thu hoạch tập trung, mang lại nhiều lợi ích cho bà con làm nông nghiệp.
- Cảnh báo về giả mạo thông tin chứng nhận của GreenCert (29.10.2024)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)