Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã bước đầu ứng dụng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap, quản lý chặt chẽ về con giống, tình hình dịch bệnh và việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia) áp dụng quy trình nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGap.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tới các hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGap tại các xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Nga Tân (Nga Sơn), Đa Lộc (Hậu Lộc) và Hải Châu (Tĩnh Gia). Trong quá trình nuôi tôm theo hướng VietGap được ghi sổ nhật ký, ghi chép rõ ràng lượng thức ăn hàng ngày, chỉ số môi trường nước phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Sau thời gian nuôi 3 tháng cho thu hoạch, tỷ lệ tôm sống đạt 65,5%, kích thước cỡ tôm thu hoạch đạt 20,4g/con, năng suất đạt 10,689 tấn/ha; doanh thu đạt 750 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần so với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy trình VietGap. Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap giảm dịch bệnh, sản phẩm nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với không áp dụng VietGap. Môi trường ao nuôi được duy trì tốt trong quá trình nuôi, lượng hóa chất sử dụng ít và bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua nhật ký ghi chép. Hạn chế được việc tác động ảnh hưởng đến môi trường ngoài ao nuôi. Mô hình đã từng bước giúp các hộ nuôi tôm thay đổi cách làm, chuyển hướng sang nuôi thâm canh tăng thu nhập. Đến nay, các hộ vẫn duy trì nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh áp dụng quy trình VietGap cho năng suất, sản lượng cao. Mô hình được nhân rộng ở các xã Hòa Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn)... với diện tích 30,5 ha. Mô hình nuôi cá vược thương phẩm của các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Vọng (Quảng Xương) theo tiêu chuẩn VietGap cũng đã khẳng định được hiệu quả và đang được nhân rộng. Ban đầu hộ các ông Bùi Ngọc Tam, Nguyễn Khắc Thái, đầu tư ao nuôi với diện tích 5.000 m2/2 hộ nuôi cá vược thương phẩm. Đây là mô hình áp dụng hình thức nuôi mới, sử dụng thức ăn là cá tạp kết hợp với thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein > 35%, bảo đảm tốc độ tăng trưởng của cá và chủ động được thức ăn trong quá trình nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi nhằm cải thiện môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống cho cá. Sau 6 tháng, cá vược thương phẩm có tỷ lệ sống đạt 70%, năng suất 10 tấn/ha. Mô hình hiệu quả cao hơn so với đối tượng con nuôi khác ở vùng triều, thị trường tiêu thụ ổn định. Trung bình người nuôi có lãi từ 25 đến 45.000 đồng/kg cá, tùy thuộc vào kích cỡ và thời điểm thu hoạch. Đến nay, tại xã Quảng Vọng đã nhân rộng mô hình nuôi cá vược thương phẩm, nhiều hộ nuôi đầu tư ao nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như: Ông Lê Huy Khê, thôn 10 với diện tích ao nuôi 4.000 m2; ông Trần Văn Lương, thôn 7, với diện tích 1.000 m2; ông Phạm Văn Lực, thôn 7 với diện tích 3.000 m2; ông Ngô Ngọc Thơ, thôn 10 với diện tích 3.000 m2... Do cá vược thương phẩm có thể tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch biển... nên hiện mô hình này được nhân rộng tại các xã Hải Bình, Trúc Lâm (Tĩnh Gia) và xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) với diện tích hơn 20 ha.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, người nuôi đã tự đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện, kênh mương, hệ thống ao, đầm nuôi và áp dụng công nghệ tiên tiến, như: Ao nuôi có mái che nuôi tôm vụ đông, máy bắn thức ăn, nuôi vi sinh... Ngành nông nghiệp cũng kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGap giúp cho các cơ sở nuôi tạo lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng sức khỏe thế nào (02.01.2025)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)