Ông Nguyễn Tường Hà ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh cho biết, tháng 4/2018, gia đình ông và 2 hộ khác được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh lựa chọn triển khai mô hình trình diễn nuôi cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích 3ha. Các ao nuôi được ngăn thành hình chữ nhật, hình vuông có 3.000 - 5.000m2, độ sâu 1,5m, đáy ao bằng phẳng, hơi nghiêng về cống thoát nước; có hệ thống xử lý nước thải, nước cấp, nước thoát, ngăn chặn động vật nuôi và động vật hoang dã…
Tham quan mô hình tại Hà Trung (Thanh Hóa)
Để chuẩn bị thả giống, các hộ vệ sinh ao đầm; kiểm tra, tu sửa, hệ thống bờ bao, máy quạt nước; rải vôi bột 10 - 20kg/100m2, phơi ao 3 - 5 ngày; cấp nước vào hệ thống lưới lọc để hạn chế cá tạp, mực nước từ 1,2 - 1,5m; độ pH đạt từ 7,5 - 8,5. Cá được thả với mật độ 3 con/m2; cho ăn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên.
Các hộ làm khung bằng lưới nổi trên mặt nước để giữ thức ăn cho cá, tạo phản xạ cho cá ăn tập trung. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và buổi chiều. Những ngày nhiệt độ dưới 17oC hoặc trên 36oC không cho cá ăn và quan sát khả năng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho cá. Định kỳ, chủ hộ ghi sổ theo dõi, kiểm kê thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng xử lý… Nhờ tuân thủ quy trình nuôi, cá không xuất hiện các bệnh nghiêm trọng.
Dù bị ảnh hưởng của mưa bão nhưng sau hơn 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 0,7kg/con; tỷ lệ sống đạt 80%, sản lượng ước đạt 50 tấn. Theo tính toán của ông Hà, tổng chi phí đầu từ là 1.417.200.000 đồng; tổng thu 1.653.300.000 đồng; lãi ròng 236.100.000 đồng/3ha.
Ông Hà cho rằng: “Mô hình cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu cho thấy thành công về lựa chọn đối tượng nuôi, loại hình nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm, chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, làm nền tảng để mở rộng mô hình ra toàn tỉnh”.
Tại Thanh Hóa, mô hình được thực hiện trên diện tích 3ha với sự tham gia của 4 hộ tại 2 huyện Hoằng Hóa, Hà Trung. Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 85%; kích cỡ thu hoạch đạt 830g/con; năng suất 16,95 tấn/ha, sản lượng 50,86 tấn. Sau 3 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã mở rộng mô hình lên 80ha nuôi cá rô phi thâm canh.
Từ thành công này, Trung tâm KN tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung tâm KN Quốc gia tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trên địa bàn tỉnh ở những vùng sinh thái khác nhau nhằm hiện thực hóa đề án quy hoạch vùng nuôi nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến xuất khẩu. Đến năm 2025 Thanh Hóa phấn đấu đạt 1.537ha nuôi cá rô phi xuất khẩu với tại 41 vùng nguyên liệu với mục tiêu 20.000 tấn nguyên liệu đạt chất lượng VSATTP.
Sau 7 tháng nuôi, bình quân cá đạt trọng lượng 740g/con
Theo báo cáo của Trung tâm KN Quốc gia, từ năm 2016 đến nay, đơn vị này đã triển khai 20 mô hình nuôi cá rô phi VietGAP tại 8 tỉnh trên cả nước với quy mô 3ha/mô hình với sự tham gia của 67 hộ dân. Các mô hình được tổ chức chứng nhận độc lập đánh giá và đạt cấp chứng chỉ VietGAP theo Bộ tiêu chí của Bộ NN-PTNT. Những mô hình đã triển khai cũng sẽ tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người nuôi và các cơ sở chế biến xuất khẩu, cơ sở tiêu thụ trong nước thông qua các hợp đồng được ký.
Kết quả các mô hình cho thấy, sau 7 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống đạt 72,68% (vượt 3,8%), năng suất bình quân đạt 16,07 tấn/ha (vượt 14,8%); kích cỡ cá trung bình lúc thu hoạch đạt từ 740g/con (vượt 9,7%); tổng sản lượng đạt 964,43 tấn.
Đại diện Trung tâm KN Quốc gia cho biết, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt yêu cầu. So với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì hệ số thức ăn giảm 3%, thời gian nuôi ngắn hơn 15 - 20 ngày do đó hiệu quả kinh tế cao hơn, sản phẩm được các đơn vị cam kết bao tiêu toàn bộ.
Theo thống kê, địa phương có lợi nhuận thấp nhất là Nghệ An cũng đạt 50 - 51 triệu đồng/ha/vụ; Thanh Hóa đạt lợi nhuận cao nhất là 149 triệu đồng/ha/vụ nhờ nuôi xen ghép với tôm thẻ chân trắng. Riêng Hải Phòng và Bắc Giang triển khai năm 2018 đạt lợi nhuận từ 120 - 131 triệu đồng/ha/vụ nhờ tiết giảm được chi phí và giá bán cao. Tính bình quân, nuôi rô phi VietGAP thu lợi nhuận bình quân trên 80 triệu đồng/ha.
Thành công của mô hình mở ra triển vọng lớn giúp nhà nông tiếp cận kỹ thuật nuôi mới. Nuôi cá rô phi VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người nuôi, từng bước hình thành các khu nuôi thủy sản hàng hóa. Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt 33.000ha nuôi cá rô phi, sản lượng đạt 300.000 tấn, trong đó 50 - 60% được xuất khẩu. Hiện cả nước đã có hàng trăm hộ dân học tập và làm theo hình thức nuôi mới này với tổng diện tích khoảng 750ha. |
Nguồn: nongnghiep.vn
- Cảnh báo về giả mạo thông tin chứng nhận của GreenCert (29.10.2024)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)