Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP đang là lựa chọn của nhiều cơ sở sản xuất, nhằm giảm thiểu dịch bệnh, tăng nguồn cung sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy vậy, việc nhân rộng các mô hình, thúc đẩy phát triển thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Lợi ích kép
Với tổng diện tích 5 ha; trong đó có 3,5 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trang trại của anh Nguyễn Văn Học, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) được biết đến là một trong những cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô lớn của tỉnh.
Trang trại đã và đang cho thu hoạch khoảng 65 – 70 tấn cá với doanh thu 2,8 tỷ đồng/năm. Một con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo anh Học, kết quả đó có được là cả một quá trình học tập và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Được biết, anh Học bắt đầu nuôi trồng thủy sản từ năm 2007. Cũng như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khi ấy, mô hình sản xuất thủy sản anh áp dụng vẫn mang hình thức quảng canh. Sau này mặc dù dần thử nghiệm một phần diện tích nuôi trồng theo hình thức thâm canh; tuy nhiên, do non trẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm; đầu tư còn hạn chế, cũng như chưa có quy trình nuôi bài bản, nên tuy hiệu quả kinh tế có tăng, song chưa đạt được như kỳ vọng.
Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm từ nhiều kênh thông tin, năm 2016, anh Học mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo ao nuôi, mua sắm máy móc, con giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học phát triển sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh, bước đầu áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản năm 2017.
Chia sẻ về những lợi ích mà sản xuất theo quy trình VietGAP mang lại, anh Học cho biết: Lợi ích trước nhất mà nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP mang lại là hạn chế được ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Theo đó, trang trại luôn chú trọng tới việc tạo môi trường sống tốt cho cá, từ vệ sinh, khử trùng ao nuôi trước mỗi vụ mới, thực hiện quan trắc chất lượng nước hàng tuần để có những điều chỉnh thích hợp, tới việc sử dụng máy sục oxy cung cấp nguồn oxy dồi dào cho cá.
Nhờ môi trường sạch, cùng với việc kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, các loại thuốc, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi nên chất lượng cá tốt hơn hẳn so với cách nuôi thông thường. Đặc biệt, chất lượng nước tốt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi với mật độ cao đạt 1 tấn/sào (mật độ lúc xuất bán), trong khi nuôi thông thường chỉ đạt từ 3 -5 tạ/sào.
Nhờ vậy, dù chi phí đầu tư ban đầu bỏ ra cao hơn song lợi nhuận thu về cũng cao gấp từ 2 – 3 lần so với trước đây. Đặc biệt, chất lượng cá tốt, cá to nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn với mức giá nhỉnh hơn cá nuôi thông thường từ 2 – 3 nghìn đồng/kg.
Với những lợi ích mà sản xuất theo quy trình VietGAP mang lại, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đưa quy trình thực hành nông nghiệp tốt vào áp dụng.
Cụ thể, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có thêm 2 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP, nâng tổng số cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh lên 15 cơ sở với tổng diện tích 100,2 ha, đạt sản lượng hơn 900 tấn/năm.
Khó nhân rộng
Mặc dù bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng từ phía người nuôi trồng, song con số 100 ha trên tổng số hơn 6.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là con số khiêm tốn. Việc nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp phải không ít khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Thị Luyến cho biết: Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP đòi hỏi sự tỉ mỉ trong ghi chép nhật ký chăm sóc, thường xuyên quan trắc, kiểm tra chất lượng nước…; trong khi người dân hiện nay vẫn giữ thói quen nuôi trồng theo cách truyền thống, việc ghi chép, cập nhật, lưu trữ hồ sơ chưa tốt.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân khiến việc nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP gặp khó là do tính liên kết trong sản xuất thủy sản của tỉnh hiện còn yếu, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển thủy sản còn hạn chế, đặc biệt là chưa có cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP chưa có được kênh tiêu thụ riêng, cũng như giá cả xuất bán không có sự chênh lệch nhiều so với nuôi trồng theo cách thông thường.
Cụ thể, theo anh Học, giá bán đối với cá nuôi theo hướng VietGAP của trang trại anh có nhích hơn 2 – 3 nghìn đồng/kg so với cá nuôi thông thường; song sự chênh lệch này chủ yếu đến từ chất lượng cá, to hơn, bắt mắt hơn, chứ không phải cao vì đó là sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Sự chênh lệch này cũng chưa đáng kể, chưa cập với kinh phí, công sức bỏ ra trong nuôi trồng theo hướng VietGAP. Có lẽ cũng vì lẽ đó, không chỉ các hộ nuôi trồng chưa mặn mà với hình thức sản xuất này mà ngay cả những cơ sở đã áp dụng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP cũng còn chần chừ trong việc xin cấp lại giấy chứng nhận sau hết hạn.
Mặt khác, theo Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bùi Hồng Quyên, mặc dù tỉnh ta có hơn 6.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, nhưng số lượng các cơ sở có diện tích lớn không nhiều.
Trong khi đó, theo Quyết định 06 của UBND tỉnh về ban hành quy định hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ 1 lần 70% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận VietGAP cho cơ sở sản xuất với mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên để có được hỗ trợ này, hộ nuôi trồng thủy sản phải đạt quy mô từ 5 ha trở lên.
Nhằm khắc phục những khó khăn đó, thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản sẽ tiếp tục triển khai tư vấn, hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Chi cục Thủy sản cũng tập trung các giải pháp đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản thâm canh, công nghệ cao, nuôi trồng đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hiện có của tỉnh như:
Chương trình hỗ trợ cá giống mới và máy tạo oxy, sản xuất theo VietGAP để khuyến khích các hộ đầu tư phát triển thủy sản theo hướng thâm canh tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, chi cục sẽ tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách cho giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp thực tế, hiệu quả để thúc đẩy thủy sản phát triển ngày càng bền vững và tăng giá trị.
baovinhphuc.com.vn
- Chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng sức khỏe thế nào (02.01.2025)
- Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 (30.08.2024)
- Lợi ích của HACCP trong sản xuất (08.11.2021)
- Trồng rau theo VietGAP cách làm giàu của người Mông Vân Hồ (05.11.2021)
- Lâm Đồng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ (01.11.2021)
- Tìm giải pháp mở rộng vùng rau VietGAP (18.08.2021)
- Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững (14.08.2021)
- Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP (12.08.2021)
- Hòa Bình: Tập trung phát triển về nông nghiệp hữu cơ (05.08.2021)
- Phát triển chuỗi giá trị rau VietGAP (01.08.2021)